Uncategorized

TIẾP ĐẤT – CÁCH ĐƠN GIẢN ĐỂ PHỤC HỒI SỨC KHỎE

Trong cách nhìn của Ayurveda (cái này các triết lý của Trung Hoa hay phương Đông cũng chung ý): mọi vật tồn tại đều được cấu tạo từ 5 thành tố: Đất, Nước, Lửa, Khí, Không Gian. Mọi thứ hiện diện nhìn thấy được đều có tỉ lệ nhất định của cả 5 thành tố này.
Con người chúng ta cũng vậy.

Và khi các thành tố cấu tạo nên mình bị mất tỉ lệ cân bằng tự nhiên, thì ắt sẽ có bệnh tật ít hay nhiều, nặng hay nhẹ.

Hôm nay mình nói về ĐẤT bởi yếu tố này đang cần được chú trọng khi đời sống hiện đại khiến nhiều người căng thẳng, tâm lý xáo trộn, các bệnh về tâm trí, tinh thần tăng cao.

Có một số lý do con người hiện đại đang bị giảm thành tố Đất:
– Sống cùng bê tông, nhựa, kính, sống trong hộp kín
– Sống lơ lửng cách xa mặt đất (chung cư và các tòa nhà văn phòng cao tầng)
– Chân luôn có lớp vỏ bao bên ngoài (giầy, tất, dép 24/7)
– Sống trong không gian thiếu cây xanh cỏ hoa lá

Và điều này đang tạo ra một xu hướng mất cân bằng trong sức khỏe của nhiều người sống trong thành phố, vì thế bài viết này có thể sẽ giúp bạn bởi rất nhiều bệnh có thể được hỗ trợ bởi thay đổi nhỏ về thành tố Đất này. Do chủ đề này rất rộng nên mình chỉ viết một góc nhìn chung về Tiếp đất dưới quan điểm của Ayurveda. Các kiến thức tại đây mình được học qua giáo viên của mình cùng những thông tin mình tự tổng hợp và quan sát trong đời sống.

Nào hãy cũng thử tìm hiểu về ĐẤT ở trong bạn nhé.

ĐẶC TÍNH CỦA THÀNH TỐ ĐẤT LÀ GÌ?

ĐẤT, là thành tố nặng và đặc nhất trong 5 thành tố.
Đặc tính của Đất là: rắn, đặc, thô, nặng, cứng, không di chuyển được dễ dàng, ổn định và khó thay đổi.

Thành tố này tạo nên cấu trúc của mọi vật.
Trong cơ thể người, Đất tạo nên cấu trúc, hình hài các bộ phận, có nhiều ở xương, tóc, da, thịt, cấu trúc các cơ quan.
Giống như nước và bùn tạo thành bê tông để giữ các viên gạch lại với nhau cho một bức tường hay công trình, nước và đất là 2 thành tố tạo nên tế bào, mô và cấu trúc của cơ thể kết nối chúng với nhau và do đó chịu trách nhiệm cho sự rắn chắc và ổn định của cơ thể.

MỘT NGƯỜI CÓ THÀNH TỐ ĐẤT CÂN BẰNG CÓ BIỂU HIỆN GÌ?

Khi yếu tố đất được cân bằng trong một người, người đó có tính ổn định, vững chãian toàn trong cuộc sống bất kể hoàn cảnh nào. Họ có thể cảm thấy bình yên với tất cả những gì từ cuộc sống – lúc nó lên hay xuống, biên độ của tất cả cảm xúc, các mâu thuẫn trong tư tưởng không tác động được quá mạnh. Bạn sẽ cảm thấy có năng lượng, an toàn và dễ bình tĩnh bên cạnh một người có thành tố Đất cân bằng.

MỘT NGƯỜI MẤT CÂN BẰNG THÀNH TỐ ĐẤT CÓ BIỂU HIỆN GÌ?

Quá nhiều Đất: xu hướng trì trệ, kém hứng thú với bất kì điều gì, khó thay đổi, khó tiếp nhận thứ mới, khó tiếp nhận các ý kiến và tư tưởng, quá tĩnh, ít vận động, không thích thích nghi với thứ mới hay thay đổi khi cần, không thích rủi ro, co cụm trong vùng an toàn, cứng nhắc, chậm chạp, thù dai nhớ lâu. Đặc điểm vật lý: dư cân

Quá ít Đất: xu hướng mất ổn định, thường xuyên thay đổi, cảm thấy không an toàn, không được hỗ trợ, dễ lo lắng, gặp khó khăn trong việc gắn bó với một điều gì, khó khăn trong giữ công việc, thay đổi liên tục sở thích hoặc các mối quan hệ không bền vững. Đặc điểm vật lý: nhẹ cân, gầy, tóc rụng nhiều, móng tay mỏng yếu.

(ở đây mình chỉ liệt kê các tính chất tiêu cực và thể tâm lý)

Nếu bạn cảm thấy mình có các biểu hiện của sự mất cân bằng trên, đến mức độ rất rõ rệt (như thường xuyên xúc động, dễ bị kích động, ám ảnh bởi những điều trong tâm trí, không tìm được trạng thái cân bằng, cảm giác căng thẳng lo lắng liên tục, bất kì các bệnh về khứu giác và mũi nào…), rất có thể đây là lúc bạn cần những thay đổi rõ ràng hơn trong lối sống và ổn định lại thành tố Đất của bạn.

5 CÁCH ĐƠN GIẢN ĐỂ CÂN BẰNG THÀNH TỐ ĐẤT:

Bài này mình không nói về dinh dưỡng hay các liệu pháp khác, mà tập trung vào việc Tiếp Đất.

TIẾP ĐẤT – NỐI ĐẤT ĐỂ KHỎE HƠN
Bạn hãy tiếp đất nhiều hơn khi có thể. Thông qua các gợi ý sau:

  1. Ra ngoài trời nhiều hơn, ngồi dưới cây, đi bộ trên cát, trên cỏ, leo núi…
  2. Chọn các hình thức vận động trên mặt đất nhiều hơn: đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, tập trên mặt đất (thay vì vận động trên máy, trên các tầng lầu cách xa mặt đất).
  3. Nếu được thì chân trần tiếp đất (đất, cát, cỏ và mặt đất nói chung)
  4. Ý thức về sự tiếp đất vững chãi trong các hoạt động, thiền hay vận động: Đứng vững và cảm nhận tiếp chạm, kết nối với mặt đất, hướng về trung tâm trái đất. Cảm nhận tất cả những cảm xúc tiêu cực, bồn chồn và lo lắng đi xuống lòng đất thông qua bàn chân. Các hình thức yoga chậm và lắng, như yin yoga hay yoga phục hồi cũng rất phù hợp.
  5. Làm vườn, trồng cây nhiều hơn. Bất kì hoạt động trồng trọt, tiếp xúc với đất và cát nào đều nhanh chóng cho bạn kết nối với đất và cảm thấy dễ chịu

Ngoài ra, có một phương pháp Tiếp Đất mạnh mẽ và dễ thực hiện hơn cả: chính là Thiền. Nhưng bài này xin khép tại đây.

Hãy thử trải nghiệm và thực hành tiếp đất nhiều hơn để cân bằng thành tố đất trong bạn.

Chúc bạn tìm về được sự ổn định, vững chãi và bình yên trong cuộc sống!

Leave your Comments

Ad: under single post

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply