Browsing Category

Nutrition

Nutrition

Các thực phẩm tăng cường hệ hô hấp và tốt cho phổi

Thật ra không chỉ đến mùa dịch mà chúng ta mới cần quan tâm đến lá phổi và đường hô hấp. Nếu như hơi thở đại diện cho sự sống và thậm chí tình trạng sức khỏe của một người, thì lá phổi là công cụ và cánh cửa quan trọng cho sự sống đó. 2 cái túi khí to đùng chứa trong lồng ngực này vẫn từng giây phồng lên xẹp xuống đến khi ta tắt thở.

🥕 Trước một môi trường sống ô nhiễm và mùa dịch bệnh có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn như vậy, việc tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng không bị gục ngã trước các loại vi khuẩn virus còn cấp thiết hơn.

️🥦 Nhóm thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt nhất vẫn luôn là nhóm thực vật – các loại rau củ hoa quả và hạt. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của rau củ quả cụ thể cả trong phòng ngừa và điều trị cúm, các bệnh đường hô hấp, và phổi.

🥕Mình xin chia sẻ các nhóm dinh dưỡng quan trọng nhất cho hệ hô hấp khỏe mạnh và các loại rau củ quả và hạt tương ứng để các bạn chú ý bổ sung các thực phẩm này trong chế độ ăn uống hàng ngày nhé:

Các chất dinh dưỡng quan trọng nhất cho hệ hô hấp khỏe mạnh – và các loại rau củ quả tương ứng:

Carotenoids: rất quan trọng đối với màng nhầy khỏe mạnh cho mô phổi, chữa lành và bảo vệ các tế bào phổi. Chúng cũng rất quan trọng đối với một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh vì đây là một chất chống oxy hóa mạnh, đã được chứng minh làm giảm các nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư phổi. Carotenoid thường có trong các thực phẩm có màu vàng như cà rốt, bí đỏ, đu đủ, ớt chuông, xoài, cam, dưa hấu và cả trong rau xanh như kale và bó xôi.

Vitamin D: nếu thiếu vitamin D sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, chức năng miễn dịch kém và tăng khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp. Vitamin này tốt nhất là đc hấp thụ dưới ánh mặt trời. Nên việc vận động dưới ánh sáng tự nhiên luôn cần thiết. Có nhiều người sợ dịch bệnh đến mức ko ló mặt ra ngoài nhưng sự sợ hãi đó thực sự làm hại tinh thần và sức khỏe hơn là lạc quan sống vận động dưới mặt trời.

Vitamin C: tăng cường khả năng miễn dịch; nếu thiếu hụt vitamin C thì khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ giảm mạnh và sức khỏe hô hấp cũng kém đi.
Ổi, sơ ri, kiwi, ớt chuông, dâu, cam, đu đủ, súp lơ xanh, cà chua, kale

Quercetin: có thể làm giảm dị ứng và giải phóng histamine (hắt hơi, ngứa mắt, nghẹt mũi và xoang, các biểu hiện phổ biến của dị ứng theo mùa, hoặc hen suyễn). Chất này có trong các loại dâu, táo, chanh, nho, hành tây, thì là và cải xoăn.

Vitamin B3, B6 và B12 có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, cải thiện chức năng phổi và các triệu chứng dị ứng.

Các loại rau họ cải bao gồm cải bắp, súp lơ xanh, su hào, bó xôi… rất giàu chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các chất độc và giải độc cho phổi. Hãy ăn các loại rau này dưới dạng salad (hoặc juice-cho nạp được số lượng nhiều) để tận thu những lợi ích từ chúng.

Tỏi: không phải bàn cãi về khả năng chống viêm, kháng khuẩn của tỏi, đặc biệt hữu ích cho đường hô hấp. Tỏi vừa là một siêu thực phẩm tốt cho bệnh nhân hen và những người bị nhiễm trùng phổi, vừa là vị thuốc truyền thống trong cả đông y.

Gừng và nghệ: cũng là một vị thuốc mạnh tương tự tỏi, với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn rất mạnh.

Nutrition

10 phương thức tự nhiên giúp bảo vệ phổi và làm khỏe lá phổi

Thật ra không chỉ đến mùa dịch mà chúng ta mới quan tâm đến lá phổi, bảo vệ phổi và đường hô hấp của chính mình.
Nếu như hơi thở đại diện cho sự sống và thậm chí tình trạng sức khỏe của một người, thì lá phổi là công cụ và cánh cửa quan trọng cho sự sống đó. 2 cái túi khí to đùng chứa trong lồng ngực này vẫn từng giây phồng lên xẹp xuống đến khi ta tắt thở.

Trước một môi trường sống ô nhiễm và mùa dịch bệnh có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn như vậy, việc tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng không bị gục ngã trước các loại vi khuẩn virus còn cấp thiết hơn.

10 phương thức tự nhiên giúp bảo vệ phổi khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp

– Tiêu thụ nhiều rau xanh và củ quả giàu vitamin A và caroten như cà rốt, củ dền, ớt đỏ, cam, xoài, dưa hấu, bí đỏ, khoai lang và cà chua (và nhiều loại khác nữa). Có khá nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của chế độ ăn nhiều thực phẩm thực vật và rau củ quả có thể giúp ngăn chặn ung thư phổi, như rau xanh họ cải, táo, bưởi, cam chanh (các loại quả họ cam), dâu tây và các loại quả mọng, tỏi, hành, gừng…

– Juice rau củ hoa quả là một cách tuyệt vời để có được tất cả các hợp chất caroten đa dạng này trong một loại nước ép. Nhiều công thức nước ép của True Juice bao gồm các loại rau xanh và củ quả các màu đỏ, cam và vàng để đảm bảo một loạt đa dạng các chất dinh dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên chúng ta tránh uống juice khi quá lạnh. Nếu không uống juice tươi mà ở dạng bảo quản lạnh thì trước khi dùng, chúng ta ngâm nhẹ chai/lọ juice vào nước ấm chỉ cần 10 phút là nó về nhiệt độ thường (ko ngâm nước sôi sẽ làm mất vitamins và chết enzymes)

– Gừng là một chất kích thích tuần hoàn nhẹ nhàng với tính ấm giúp giảm bớt tắc nghẽn đường hô hấp và giảm viêm. Gừng thực sự là một món rẻ, tốt, đủ mọi lợi ích cho hô hấp. Quan trọng là gừng có tính ấm, giữ ấm cho họng, cho phổi là điều rất quan trọng trong những ngày dịch cúm và giao mùa.

– Tỏi & hành tây có tác dụng chống viêm nhẹ và được chứng minh là chống vi khuẩn. Chúng có thể giúp chống nhiễm trùng, giảm tắc nghẽn, viêm và dị ứng. Chỉ vì tỏi và hành sẽ có mùi hăng không có nghĩa là chúng ta sợ chúng. Cách nhẹ nhàng hơn để dùng tỏi và hành tây là có thể ngâm Tỏi, Hành, Gừng các loại gia vị tính ấm và nhiều tính kháng viêm này với mật ong để trữ dùng dần.

– Uống nhiều nước, trà thảo dược và súp. Uống đủ nước (ấm) sẽ giúp làm tăng lưu thông máu đến tất cả các cơ quan, trong đó có phổi, giúp loại bỏ các độc tố và giúp phổi khỏe mạnh. Các loại trà thảo dược cũng là cách hay để sử dụng các loại thảo mộc nhiều dược tính. Súp ấm tự ninh từ rau củ quả hoặc nước hầm chất lượng là cách nạp dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể khỏe mạnh ấm nóng chứ không chỉ riêng phổi.

– Khi bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp, nên tránh các sản phẩm từ sữa, đường, các loại bột mỳ, bột tẩy trắng và thực phẩm chế biến công nghiệp.

– Nước ép hoặc xà lách chứa củ cải, củ sen hoặc các loại rau mầm rất hữu ích cho tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp. Tăng cường juice với các loại rau thảo mộc chống viêm tự nhiên như gừng, nghệ, sả, rau mùi, ngò tây, hương thảo, bồ công anh, bạc hà…

Ngoài chú ý về đường ăn uống, đối với phổi, điều quan trọng nhất đến cuối bài mình mới đề cập, đó chính là thứ bạn luôn luôn sở hữu và luôn bên bạn:

HƠI THỞ

Tập thở sâu là điều tối quan trọng cho lá phổi. Hãy dành ít nhất 5-10 phút mỗi ngày, tốt nhất vào buổi sáng (khi bạn chưa ăn gì), để tập thở sâu. Đó là cách hữu hiệu nhất cho sức khỏe của phổi. Có thể tham khảo bài tập thở này.

Chúc các bạn có lá phổi thật khỏe mạnh. Hơi thở chính là nguồn sống, và lá phổi chính là người dẫn đường. Hãy luôn chú ý tới hơi thở và sức khỏe lá phổi của mình nhé!

 

 

 

Nutrition

Cơ thể con người tái tạo hoàn toàn trong vòng 7 năm?

Thật kì diệu là hàng giây luôn có hàng nghìn tế bào chết đi và được thay thế, làm mới.

Và người ta tính được cứ khoảng 7 -10 năm, tổng toàn bộ các tế bào đã được tái tạo.

We are actually reborn!

Tùy vào khối lượng sử dụng mà tế bào của mỗi cơ quan, bộ phận sẽ có tốc độ thay mới khác nhau. Ví dụ nhé:

Da: tế bào da thông thường được thay mới sau 2-4 tuần.

c: khoảng sáu năm đối với phụ nữ và ba năm đối với nam giới

Gan: cơ quan thải độc của cơ thể con người, lọc các chất gây ô nhiễm cho hệ thống của cơ thể. Được hỗ trợ trong quá trình máu liên tục cung cấp và có khả năng hầu như không bị các độc tố này gây phá hủy, gan tự làm mới sau 150 đến 500 ngày.

Dạ dày và ruột: Các tế bào nằm trên bề mặt của dạ dày và ruột có một cuộc sống khó khăn và ngắn ngủi. Liên tục bị vùi dập bởi các chất ăn mòn như axit dạ dày, chúng thường chỉ kéo dài đến 5 ngày!

Xương: Các tế bào trong hệ thống xương tái tạo gần như liên tục, nhưng để thay mới toàn bộ khung xương thì phải mất 10 năm. Quá trình thay mới tế bào xương này chậm lại khi chúng ta già đi, do đó xương của chúng ta ngày càng mỏng.

Một số tế bào không bao giờ chết hẳn, ví dụ giác mạc của mắt có thể tự tái tạo chỉ sau một ngày, nhưng thủy tinh thể và các phần xung quanh đó không thay đổi. Tương tự như vậy, các tế bào thần kinh ở vỏ não – lớp ngoài của não chi phối trí nhớ, suy nghĩ, ngôn ngữ, sự chú ý và ý thức – ở lại với chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi chết. Bởi vì chúng không được thay thế, việc mất các tế bào này theo thời gian có thể gây ra các bệnh ác tính như mất trí nhớ. (Cố mà sử dụng não bộ triệt để đi các bạn).

Mặc dù tế bào luôn được thay mới như vậy, nhưng dĩ nhiên, sự thật là chúng ta vẫn già đi và chúng ta vẫn chết. Nên đừng nghĩ đến chuyện thay đổi định luật của tự nhiên.

Tuy nhiên, tốc độ làm mới và sự khỏe mạnh của tế bào lại là thứ thực ra chúng ta có thể chủ động. Chúng ta làm chủ nguồn nhiên liệu cho nó.

Chính là cách bạn ăn gì, uống gì, nghĩ gì, vận động thế nào, cảm xúc và yêu thương ra sao đấy.

Mời các bạn xem thêm các công thức juice trên blog này để nạp nhiên liệu tốt cho bộ máy cơ thể mình. Ít nhất là da dẻ sẽ thay mới trong vòng một tháng, bạn có muốn một làn da mới (sáng, đẹp, tươi hơn) trong 1 tháng nữa không?

Nutrition

Hệ thống miễn dịch và cách tăng miễn dịch đúng

Hệ thống miễn dịch của cơ thể là gì? Tại sao cần quan tâm đến hệ miễn dịch?

Hệ thống miễn dịch rất phức tạp và rộng. Một bác sĩ chuyên về miễn dịch học tên là Heather Moday có nói “Hệ thống miễn dịch của chúng được làm từ rất nhiều các phần di chuyển khác nhau. Tăng miễn dịch, thực chất là cân bằng hệ miễn dịch.” Và bất kì thứ gì cốt lõi trở về với cân bằng, thì đều không có giải pháp nhanh, và không phải chỉ một giải pháp.

Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ các cơ quan, tế bào và hóa chất đặc biệt có nhiệm vụ chống nhiễm trùng (vi khuẩn). Các bộ phận chính của hệ thống miễn dịch là: bạch cầu, kháng thể, bổ thể (complement system-một nhóm protein huyết thanh, kết hợp cùng kháng thể có vai trò rất quan trọng trong việc loại trừ mầm bệnh), hệ bạch huyết, lá lách, tuyến ức và tủy xương. Đây là những phần của hệ thống miễn dịch tích cực chống lại nhiễm trùng.

Hệ thống miễn dịch lưu giữ mọi thông tin về các vi khuẩn mà nó đã từng đánh bại trong các loại tế bào bạch cầu (tế bào lympho B- và T) được gọi là tế bào ghi nhớ. Điều này cho phép cơ thể có thể nhận ra và tiêu diệt vi khuẩn một cách nhanh chóng nếu nó quay lại xâm nhập cơ thể, trước khi nó có thể nhân lên khiến bạn bệnh.

Một số bệnh nhiễm trùng, như cúm và cảm lạnh thông thường, phải chiến đấu nhiều lần vì có rất nhiều loại virus hoặc chủng cùng loại virus có thể gây ra cúm và cảm. Bị cảm hoặc cúm từ một loại vi-rút không cung cấp cho bạn khả năng miễn dịch với những loại khác.

Các phần chính của hệ thống miễn dịch là:

Tế bào bạch cầu (được tạo ra trong tủy xương, di chuyển qua máu và mô khắp cơ thể tìm kiếm những kẻ xâm lược như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và nấm và kích hoạt tấn công miễn dịch – có rất nhiều hóa chất, tế bào, protein trong cơ thể tham gia vào các cuộc tấn công miễn dịch này).

Kháng thể (giúp cơ thể chống lại vi khuẩn hoặc chất độc mà chúng tạo ra bằng cách nhận ra các chất gọi là kháng nguyên -antigen- trên bề mặt vi khuẩn hoặc trong hóa chất mà chúng tạo ra, đánh dấu vi khuẩn hoặc độc tố là ngoại lai để phá hủy).

Bổ thể (các protein hỗ trợ cho công việc của kháng thể).

Hệ bạch huyết (mạng lưới các mạch nhỏ chạy khắp cơ thể có vai trò phản ứng với vi khuẩn, đối phó với các tế bào ung thư, các chất thải của tế bào nếu không xử lý sẽ dẫn đến bệnh hoặc rối loạn, hấp thụ một số chất béo trong chế độ ăn uống của chúng ta từ ruột).

Lá lách (cơ quan lọc máu giúp loại bỏ vi khuẩn và phá hủy các tế bào hồng cầu cũ hoặc hư hỏng. Nó cũng sản sinh các chiến binh chống lại bệnh tật của hệ thống miễn dịch như kháng thể và tế bào lympho).

Tủy xương (mô xốp trong xương, nơi tạo ra các tế bào hồng cầu để mang oxy đến toàn cơ thể, và các tế bào bạch cầu để chống nhiễm trùng và tiểu cầu để giúp đông máu)

Tuyến ức (lọc và theo dõi nội dung máu của bạn. Nó tạo ra các tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho T).

Ngoài hệ thống miễn dịch kể trên, cơ thể có một số cách khác để tự vệ trước vi khuẩn, bao gồm:

Da – hàng rào chống thấm nước, tiết ra dầu có đặc tính diệt vi khuẩn

Phổi – chất nhầy trong phổi (đờm) bẫy các hạt lạ và lông ma) đẩy chất nhầy lên trên để có thể ho ra

Đường tiêu hóa – lớp niêm mạc chứa kháng thể và axit trong dạ dày có thể tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn

Phòng vệ khác – chất lỏng cơ thể như dầu trên da, nước bọt và nước mắt có chứa các enzyme chống vi khuẩn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Việc xả liên tục đường tiểu và đường ruột cũng giúp ích trong quá trình miễn dịch.

Làm thế nào bạn có thể cải thiện hệ thống miễn dịch của bạn?

Ai cũng thích ý tưởng tăng cường khả năng miễn dịch, nhưng thực tế nó khó nắm bắt vì nhiều lý do. Hệ thống miễn dịch chính xác là như vậy – một hệ thống, không phải là một thực thể duy nhất. Để hoạt động tốt, nó đòi hỏi sự cân bằng và hài hòa. Vẫn còn nhiều điều mà các nhà nghiên cứu không biết về sự phức tạp và mối liên hệ của phản ứng miễn dịch. Mặc dù cho đến nay chưa có chứng minh khoa học cụ thể nào về mối liên hệ trực tiếp giữa lối sống và chức năng miễn dịch, không có nghĩa chúng ta chẳng cần có một lối sống hỗ trợ cho miễn dịch tốt. Các nhà nghiên cứu Khoa học đang tiếp tục khám phá những ảnh hưởng của chế độ ăn uống, tập thể dục, tuổi tác, căng thẳng tâm lý và các yếu tố khác lên phản ứng miễn dịch, cả ở động vật và ở người. Trong khi đó, việc của chúng ta vẫn nên xác định chiến lược sống lành mạnh để cơ thể khỏe mạnh nói chung và có một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt theo đúng chức năng của nó, phải không?

vui vẻ lạc quan chắc chắn cũng là 1 cách ahihi

Và đây là một số các chiến lược sức khỏe được khuyến cáo để tăng cường hệ thống miễn dịch:

Tuyến phòng thủ đầu tiên của bạn chính là theo đuổi một lối sống lành mạnh. Các yếu tố về lối sống quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ miễn dịch (hay một cơ thể khỏe mạnh) chính là: giấc ngủ chất lượng, tinh thần lạc quan vui vẻ (không stress) và dinh dưỡng đúng.

Vì vậy trong giai đoạn mùa cúm và dịch bệnh, ngoài việc thường xuyên rửa tay và ngủ đủ, dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng bạn cần thực hiện nếu muốn ‘cân bằng’ , và cả tăng sức mạnh, cho hệ miễn dịch.

1. Uống đủ nước: giúp phổi đủ độ ẩm và làm sạch các màng nhầy tốt hơn. 

2. Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ. (Uống nước ép là một cách tuyệt vời. Cái blog này chính là một nơi giúp bạn yêu juice hơn. Nhiều rau củ quả hơn nữa hơn nữa nhé)

3. Tập thể dục thường xuyên.

4. Ngủ đủ giấc và chất lượng – thử tập yoga nhẹ nhàng, thiền và đọc sách nhiều hơn trước khi ngủ, hay bất kỳ hình thức nào giúp bạn có giấc ngủ chất lượng (hạn chế các thiết bị điện tử nhiều hơn nữa)

5. Dành thời gian để gọi điện tới những người thân và người quan trọng trong cuộc sống của bạn – đây là lúc chúng ta cần hỗ trợ và kết nối với nhau nhiều hơn (nếu không gặp trực tiếp thì qua điện thoại và online)

6. Chăm chút cho các sở thích và đam mê – hãy thử các môn có tính nghệ thuật, đọc sách, vẽ tranh, tô màu, nấu ăn, nghe nhạc… bất kì điều gì khiến bạn thư thái

7. Tập trung vào hơi thở và ít nhất dành 5-10 phút tập thở mỗi ngày – riêng việc thở sâu thôi sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm giúp kiểm soát sự lo lắng và căng thẳng. Nếu bạn chưa từng thở sâu bao giờ, hãy thử phương pháp thở sâu đơn giản này

Trong các nguyên tắc trên, dinh dưỡng có mối liên hệ rất gần gũi với hệ thống miễn dịch:

Đội quân hệ thống miễn dịch diễu hành đông đảo tại hệ tiêu hóa của chúng ta. Chiến binh hệ miễn dịch khỏe mạnh cần được nuôi dưỡng thường xuyên. Các nhà khoa học từ lâu đã nhận ra rằng những người sống trong nghèo đói và suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Và gần đây họ phát hiện ra một nguyên nhân nữa trong suy giảm miễn dịch – đến từ ‘thiếu hụt vi dinh dưỡng’ (micronutrient malnutrition – thiếu một số vitamin thiết yếu và khoáng chất vi lượng thu được từ chế độ ăn uống). Một nghiên cứu đã chỉ ra sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng khác nhau – ví dụ, sự thiếu hụt kẽm, selen, sắt, đồng, axit folic và vitamin A, B6, C và E – làm thay đổi phản ứng miễn dịch ở động vật.

Hơn nữa, hầu hết các vitamins và khoáng chất vi lượng cơ thể người cần lấy được từ thực phẩm, chủ yếu qua chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, phong phú từ các thực phẩm tự nhiên: rau xanh, củ, quả, các loại hạt, ngũ cốc, thịt, cá, trứng…

Điểm mấu chốt là gì?

Khi nói đến sức khỏe nói chung hay một hệ miễn dịch tốt, về lâu về dài, tất cả nằm ở lối sống khỏe mạnh. Thực hiện các gợi ý trên sẽ giúp bạn duy trì một hệ thống miễn dịch cân bằng, khỏe mạnh, từ đó chuẩn bị cho cơ thể bạn tốt hơn khi phải tiếp xúc với các mầm bệnh từ bên ngoài.

Chúc các bạn có được hệ miễn dịch cân bằng và khỏe khoắn để chống chọi lại các bệnh dịch nhé!