Browsing Tag:

plant milk

Plant-based Milk

Sữa sầu riêng sữa dừa

Sầu riêng và dừa sinh ra để cho nhau
Mùa hè năm nay mới dám ăn sầu riêng nhiều hơn, mà mình lại mê những thứ béo ngậy, thế nên món sữa hạt phiên bản nhẹ nhàng của sinh tố sầu riêng đã từng chia sẻ, là em này.
Cơ bản là sữa hạt điều+sữa dừa+sầu tươi.
Thơm ngậy mượt mà.
Đặc biệt phù hợp cho các bạn muốn tăng cân.
Các bạn muốn giảm, và người nóng quá, mùa hè chớ ăn nhiều món này.
Cách làm như sau:
-Sữa hạt điều: cách làm tại đây
-Sữa dừa tươi: cách làm tại đây
Sầu riêng tươi 2 múi, bỏ hạt lấy phần cùi.

Tổng 500ml sữa hạt (tỉ lệ sữa hạt điều và sữa dừa là tùy sở thích của bạn, vì hạt điều khá dễ xay nên mình chỉ cần có sữa dừa rồi thả vài hạt điều đã ngâm mềm vào là xong)

Tất cả cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc qua rây lọc để sữa mịn hơn.

Plant-based Milk

Làm sữa hạt bằng máy ép chậm Hurom

Chắc các bạn cũng thấy phong trào làm sữa hạt cũng phổ biến hơn, rầm rộ hơn một năm gần đây đúng không? Sữa hạt quả thực là quá dễ làm, mà lại quá ngon luôn, chưa kể cũng bổ và có thể là lựa chọn thay thế sữa bò nữa.
Với sữa hạt thì mình vẫn hay thích làm bằng máy xay sinh tố. Chỉ là lựa chọn cá nhân thôi. Tuy nhiên nếu các bạn có máy ép chậm thì có thể làm sữa hạt với máy ép chậm đó! Dễ và nhàn lắm ý.

Làm sữa hạt dễ ẹc và nhàn tênh với máy ép chậm như sau:

Dụng cụ:

  1. Máy ép chậm: Mình sử dụng máy ép chậm Hurom. Các bạn có thể sử dụng bất kỳ máy ép chậm nào bạn đang có. Sử dụng lưới lọc tinh (fine strainer) đi kèm máy. Bởi nhiều máy ép chậm có kèm cả lưới lọc thô, ví dụ như các dòng Hurom.
  2. Rây lọc hoặc túi vải lọc (optional): món này ko bắt buộc, nhưng nếu bạn thích làm sữa hạt thật là mịn màng thì nên dùng thêm túi vải lọc, hoặc chí ít dùng một cái rây lọc lưới thật nhỏ để đặt lên miệng âu đựng của máy ép.

Nguyên liệu:

  1. Bất kỳ loại hạt nào đều có thể làm sữa với máy ép chậm.
    Các loại hạt (nuts) có thể làm sữa là: hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt bí, lạc (rang lên trc khi ngâm ép), các loại nhỏ như vừng và kê thì không nên ép vì hạt quá bé, chỉ nên xay v.v.. Chọn hạt thô/sống không tẩm sấy muối, bơ hay vị gì. Kiểm tra chất lượng hạt, một số loại rất dễ bị hôi như óc chó và lạc. Ngâm cùng nước lọc cho mềm.
    Các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu ngự, đậu nành, đậu đen, đậu gà v.v.): cần ngâm, nấu chín hạt trước khi ép.
    Ngô: ép xong mới nấu chín
    Các loại nguyên liệu như bí đỏ, hạt sen, nếu muốn dùng máy ép chậm để làm sữa thì hơi phí bã, vì với  máy ép chậm phải ép bí và hạt sen khi còn sống mới đủ độ cứng đế ép. Còn nếu nấu chín rồi thì rất mềm ko ép được, chỉ hợp lý để xay.
    Túm lại theo kinh nghiệm của mình, máy ép chậm chỉ hợp lý để làm các loại sữa từ hạt (nuts/seeds) chứ không hợp làm các loại sữa từ đậu hay ngũ cốc

    Các loại hạt (nuts) để làm sữa. Nguồn ảnh: wisegeek

  2. Nguyên liệu khác thêm vào (optional/không bắt buộc):
    1. Các chất tạo ngọt:
      Quả chà là:bỏ hột, ngâm nước ấm cho mềm trước khi cho vào ép cùng. Quả chà là bán ở các siêu thị và cửa hàng thực phẩm nhập khẩu, là loại quả khô khá là ngọt (rất ngọt nếu ăn không), nhưng lại là chất tạo ngọt tự nhiên cho các loại sữa hạt hoặc sinh tố và món tráng miệng, mà vị của nó lại không có nhiều mùi nổi bật, không át các vị khác.
      Quả vả (fig): cũng hay bán ở dạng khô, quả này của VN mình không có mà là nhập khẩu, thường là các túi đóng gói của Mỹ.
      Các loại hoa quả khô khác đều có thể thử nghiệm để làm ngọt nhé các bạn.
      Maple Syrup: siro lá phong. Cũng hay có bán ở các hàng nhập khẩu. Là chất tạo ngọt nhìn giống giống mật ong nhưng ko có vị chua chua như mật ong.
      Agave Syrup: siro agave (một loại siro chiết suất từ nhựa của cây Blue Agave mọc ở vùng Nam Mexico), cũng không phổ biến ở VN nhưng có thể mua ở các cửa hàng nhập khẩu.
      Mật ong: không phải loại nào làm ngọt với mật ong cũng hợp. Vì mật ong có vị hơi chua và mùi khá trội. Nhưng lại là lựa chọn phổ biến hơn, dễ mua hơn.
      Táo ép: khi sử dụng hoa quả tươi để làm chất tạo ngọt thì sữa sẽ chỉ nên uống trong ngày. Để sang ngày hôm sau thường sẽ ko còn ngon hoặc mùi vị ko giữ được trọn vẹn các bạn nhé.
    2. Các chất bổ sung khác: để tăng phần dinh dưỡng và mùi vị
      Bột quế: Nếu sử dụng quế dạng bột thì chỉ cần ngoáy lên cùng với sữa thành phẩm. Ngoài ra các bạn có thể sử dụng quế dạng nguyên thanh. Nhớ là phải ngâm quế kĩ, trước ít nhất 4-5h để quế mềm hơn, rửa sạch, sau đó cho 1 mẩu nhỏ vào ép cùng với hạt. Một chút thôi vì quế rất thơm.
      Cacao nibs: Để làm sữa vị chocolate mình hay dùng Cacao nibs. Đây là sản phẩm từ ruột quả cacao đập nhỏ ra. Quả cacao là quả người ta làm nên chocolate ý. Nó có vị đắng đặc trưng của cacao, nhưng cũng khác xa chocolate thành phẩm đó nhé. Cacao dưới dạng hạt này rất giàu chất chống oxy hóa và cho các loại đồ uống vị chocolate tự nhiên, và dĩ nhiên cũng tốt cho sức khỏe mà không lo bị nhiều đường hay calorie. Nhớ ngâm hạt cho mềm, tầm 4-5h, trước khi cho vào ép cùng các loại hạt khác khi làm sữa. Do nó nhạy đắng nên rất hợp với các loại làm ngọt khác như chà là hay chuối. Mỗi lần chỉ cần dùng 1 thìa canh cacao nibs và thử nghiệm cho hợp khẩu vị.
      Vanilla: không nên chọn các loại tinh dầu vani vì không biết chất lượng ra sao. Mình hay dùng vani cả quả, có bán ở một số siêu thị nhập khẩu. Quả vani rất thơm, chỉ cần cắt một mẩu ngắn tầm 1-2cm, ngâm nước cho mềm độ vài giờ và ép cùng hạt (dùng cả nước ngâm quả vani đó). Mỗi lít sữa chỉ cần nửa quả vani là thơm lừng.

Công thức chung để làm sữa hạt với máy ép chậm

Công thức chung cho sữa hạt là tỉ lệ 100-120gr hạt (nuts and seeds) và 1 lít nước lọc, thành phẩm cho ra hơn 1 lít sữa.

B1. Hạt ngâm nước vài giờ cho mềm. Tùy từng loại hạt mà ngâm lâu hay ít. Xem thời gian ngâm các loại hạt tại đây http://www.juicylife.vn/cach-lam-sua-hanh-nhan-ngon/ . Một số loại hạt có thể bóc vỏ lụa hoặc không tùy ý (óc chó, hạnh nhân), vỏ cứng thì đương nhiên bỏ, chỉ lấy phần nhân hạt.

B2. Sau khi ngâm, đổ nước ngâm, cho hạt đã ngâm mềm vào cùng nước lọc/nước đun sôi để nguội (hoặc ấm, chứ ko dùng nước nóng già). Cứ đổ hạt cùng nước vào máy ép chậm, như ép hoa quả vậy, để mức cửa bã nhỏ nhất (với Hurom là mức Closed, với các máy ép khác thì phải ấn chặt nhất cái silicon cửa bã ở dưới đáy của bowl máy). Cứ thế máy sẽ ép nghiền hạt cùng nước lọc tạo thành hỗn hợp trắng đục như sữa. Có thể cho phần bã cùng nước lọc chạy qua máy 1 lần nữa để ép cho đỡ phí J  Nếu muốn sữa mịn hơn thì đặt thêm cái rây lọc lỗ thật nhỏ lên miệng âu đựng juice, ngay dưới cái vòi ra nước của máy ý. Với sữa hạnh nhân và đậu nành mà muốn mịn hơn nữa thì thêm một công đoạn lọc qua túi vải lọc.

Hình này là làm sữa đậu gà. Với các loại đậu thì sữa phải làm chín, hoặc là đun sau khi đã ép lọc, hoặc là luộc hạt chín trước khi cho vào ép nhé.

B3. Thưởng thức thôi. Sữa từ hạt thì ko cần đun sôi lại. Uống sống vừa giữ được nhiều dinh dưỡng vừa nhanh gọn. Nếu ai cảm thấy không yên tâm thì cứ hâm nóng/tiệt trùng nhưng nhớ phải đun lửa rất nhỏ và ko được sôi trào, vì nut milk dễ bị kết tủa khi đun.

Làm sữa hạt với máy ép chậm, nói chung là có cái tiện: NHANH, KHÔNG CẦN LỌC. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình, sữa hạt làm ngon nhất chính xác là nên làm bằng máy xay (công suất cao thì càng tốt): sữa ngon hơn, ngậy hơn, bông hơn, đậm vị hơn, làm được nhiều loại nguyên liệu phong phú kết hợp hơn. Linh hoạt hơn. Và dĩ nhiên mất thêm chút công lọc bằng rây lọc hoặc túi vải.

Các bạn thích làm sữa hạt với máy gì?

Plant-based Milk

Cách làm sữa dừa ngon – (Home made Coconut milk)

Sữa dừa phải nói là cực kỳ dễ làm, và cực kỳ ngon!

Mình vẫn còn nhớ hồi nhỏ chỉ đến Tết nhà mới có vài lon sữa dừa. Hồi đó đã mê sữa dừa lắm mặc dù chỉ là sữa dừa đóng lon (chứ như bây giờ lớn hơn ý thức được về đồ uống công nghiệp là còn lâu mình mới uống). Nó ngọt ngào, ngậy béo và thơm sực mùi dừa! Bây giờ lớn hơn, các khái niệm về thực phẩm và nhận thức về những thứ mình cho vào mồm đã khác rất nhiều. Đời sống giờ cũng khác, điều kiện cũng khác. Nhưng tình yêu với sữa dừa mình vẫn mang từ nhỏ tới tận giờ, có khi còn mê hơn khi bây giờ sữa dừa là do chính tay làm, từ dừa tự nhiên, tươi rói, 100% không thêm đường, không thêm bất kỳ thứ gì khác ngoài nước. Cái lần đầu tiên thử làm sữa dừa, nhìn dòng sữa trắng mướt sánh chảy ra qua rây lọc cũng xúc động lắm, lòng cứ rạo rực như khám phá ra cái gì kỳ thú mới mẻ lắm. Từ đó sữa dừa được mình trưng dụng trong ti tỉ món, từ các loại biến thể của sữa thực vật, đến sinh tố, đến chia pudding, đến overnight oat, đến các loại dessert tráng miệng, đến các món mặn curry…Túm lại có thể uống sữa dừa bất kỳ lúc nào, bất kỳ tâm trạng nào.

Sữa dừa chứa nhiều acid béo, cụ thể là lauric acid, đặc biệt tốt cho cả trẻ nhỏ. Được coi là “miracle liquid” (chất lỏng diệu kỷ) với thành phần dinh dưỡng giúp tăng khả năng miễn dịch cho con người. Cùng với dầu dừa và nước dừa, sữa dừa là một trong những thực phẩm lành mạnh nhất trên thế giới. Vì vậy đừng nghi ngại ‘sữa dừa béo lắm’ nhé. Béo mới tốt!.

Vậy đó, rất nhiều cái tuyệt vời đến từ những thứ nhỏ bé và giản đơn. Super simple nhỉ? Chỉ đơn giản là dừa nạo, ngâm nước nóng, xay và lọc (yes, chỉ vậy thôi). Mình mà làm được thì 1 tỷ người khác cũng làm được.

Không tin bạn xem thử nhé:

Bước 1: Ngâm

Coconutmilk1

Bước 1: ngâm dừa nạo trong nước nóng già (gần sôi)

Dừa nạo các bạn mua ngoài chợ họ nạo sẵn từ quả dừa. Thường thì mình hay làm tỉ lệ 4 lạng dừa nạo cho 1 lít sữa. Nếu làm đặc hơn, tỉ lệ nước ít đi là bạn có sữa dừa dạng đặc, mình hay gọi là cốt dừa, mình hay cho vào các hộp nho nhỏ (hoặc khay đá) cho vào đông lạnh, mỗi suất đủ cho một cốc sinh tố.

Đun sôi nước và pha thêm một chút nước nguôi, sao cho nước nóng già, nhưng không sôi, tầm 90°C. Nếu dùng nước sôi, sữa dừa sẽ bị tách nước, các bạn lưu ý nhé.

Đổ nước nóng già vào chỗ dừa nạo. Để đó khoảng 5 phút. Bước này để dừa ngấm nước mềm và khi xay dễ dàng lấy được các chất trong sợi dừa. Có những hôm vội mình còn chẳng ngâm mà đem xay luôn. Nếu không có dừa nạo các bạn có thể cắt miếng nhỏ từ cả khoanh cùi dừa và làm tương tự.

Bước 2: Xay

Coconutmilk2

Bước 2: xay nhuyễn trong máy xay sinh tố khoảng 1-2 phút

Đổ cả dừa và nước đã ngâm vào máy xay sinh tố. Xay kĩ trong vòng 1-2 phút.

Bước 3: Lọc

Coconutmilk3

Bước 3: lọc hỗn hợp đã xay qua rây lọc. Có thể dùng tay bóp kỹ cho ra hết phần sữa dừa.

Đặt một cái rây lọc trên miệng âu đựng. Đổ chỗ dừa xay vào và lọc. Dùng muôi to ấn chặt xuống. Hoặc dùng tay sạch bóp và vắt kỹ cơm dừa. Với sữa dừa chúng ta không cần dùng túi lọc vì bã dừa khá lớn không sợ lọt qua rây. Mình hay dùng một cái rây lọc đường kính 22cm, miệng to nên công đoạn lọc khá nhanh và tiện.

Lặp lại bước 2 và 3:

Đổ nước nóng già vào chỗ bã dừa, lại xay và lọc thêm 2 lượt nữa.

Phần bã dừa lúc này khô cong, có thể đem sấy khô để làm các món cookie hay bánh dừa nhưng nói thật là mình thấy nó khá khô và không còn thơm ngon như dừa tươi nên mình hay ủ bón đất trồng cây.

Tổng thời gian làm một mẻ sữa cũng chỉ tầm 15 phút, lâu nhất là xay với lọc thôi. Nhưng bõ công cực kỳ ý. Tin mình đi, bạn sẽ hối tiếc nếu không thử tự làm sữa dừa một lần trong đời!

Chúc các bạn vui thú với sữa dừa và tìm được thật nhiều niềm vui khi làm sữa tại nhà nhé! Nếu thấy bổ ích các bạn nhớ share nhé!

Huyen's Signature

Happy Plant-based Milk/ Plant-based Milk

Cách làm sữa hạnh nhân ngon(Home-made Almond milk)

Sữa hạnh nhân – nghe thì có vẻ cao siêu, ‘soang chảnh’ nhỉ, nhưng đây là loại sữa thực vật cực kỳ phổ biến với các nước phương Tây để thay thế sữa bò.

Trong các loại sữa từ hạt (nut milk), và nói chung là sữa từ thực vật (hạt, đậu, ngũ cốc v.v), sữa hạnh nhân, sữa hạt điều và sữa dừa là 3 món mình hay làm nhất và thích nhất, sử dụng được phong phú trong các món sinh tố, tráng miệng, bánh trái nhất. Bởi màu sắc, vị và texture (cảm quan) của các loại sữa này có thể nói là còn ngon hơn sữa bò.

Sữa hạnh nhân không có nhiều glycemic như sữa gạo, cũng không lo bị rối loạn hormone hoặc GMO như sữa đậu nành, ít hơn sữa bò 50% lượng calories và không có cholesterol, nhưng lại ít protein hơn. Sữa hạnh nhân có vị nhẹ, béo, ngậy và màu trắng sữa rất đáng yêu. Về cơ bản, sữa hạnh nhân là loại nước làm từ hạt hạnh nhân xay cùng nước. Cách làm sữa từng bước như dưới đây và phương pháp này có thể áp dụng cho hầu hết các loại sữa từ hạt (nut – hạt điều, óc chó, maccadamia v.v.). Thực tế là mình còn thích sữa hạt điều hơn cả hạnh nhân (hạt điều tươi chứ không phải hạt điều rang muối), vì rẻ hơn (điều trồng trong nước), ngậy hơn, và đặc biệt làm còn nhanh hơn nữa do không phải bóc vỏ, chỉ cần ngâm, xay, rồi lọc.

Món này phù hợp cho cả người không ăn chay lẫn người ăn chay. Những ai kiêng sữa động vật mà lại dị ứng với các loại nuts thì có thể làm sữa dừa. Tự làm sữa hạt là dễ nhất quả đất ý!

Dưới đây trông thì nhiều ảnh vậy thôi nhưng nhìn chung chỉ có 3 bước, cực nhanh, cực dễ và đảm bảo một khi đã làm rồi bạn sẽ không bao giờ dừng lại 🙂

Nguyên liệu

100 – 120 gr hạt hạnh nhân (nếu mua được hạnh nhân có chứng nhận hữu cơ là tốt nhất tuy nhiên giá thành cũng tốt không kém)

1 lít nước lọc

1 xíu muối biển

1 xíu đường thô (hoặc xay sữa cùng vài quả chà là)

Cách làm

Bước 1: Ngâm

Ngâm hạnh nhân ngập trong nước lọc (lượng nước gấp đôi hạt để hạt còn nở mềm). Thời gian ngâm ít nhất 8h (tốt nhất là qua đêm). Nếu bạn quá vội cũng có thể ngâm ít giờ hơn (ngâm trong nước nóng), sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến vị sữa. CHÚ Ý: nếu thời tiết nóng thì nên ngâm trong tủ lạnh (đặt cả hạt và bát nước vào tủ) để tránh ngâm lâu hạt bị chua, làm sữa dễ bị hỏng, bị chua.

Luộc hạt hạnh nhân trong vòng 5-10p. Có thể bỏ qua bước này. Mục đích của việc luộc hạt là để dễ bóc vỏ lụa của hạt hơn, và còn để phần nào yên tâm hơn cho những bạn không thích cảm giác uống từ hạt sống.

Almond-milk-0Almond-milk-1

(Từ trái sang: 1. Hạt hạnh nhân sống; 2.Hạt đã được ngâm và luộc sơ, rất dễ bóc vỏ, bóp một cái là vỏ tuột ra ngay)

Bước 2: Xay

Xay hạt cùng nước lọc trong vòng 1-2 phút. Trong thời gian xay nên nghỉ vài lần để an toàn cho máy. Tốt nhất là máy xay sinh tố vẫn được sử dụng phổ thông trong các gia đình, loại máy để bàn thường khỏe hơn máy cầm tay. Máy càng khỏe thì hạt càng được nghiền kĩ hơn, cho sữa sánh hơn.

Almond-milk-3Almond-milk-4

(Từ trái sang: 3. Xay hạt cùng một chút nước lọc trước, trong vòng 1 phút chia làm 2 lần; 4. Đổ nốt chỗ nước lọc vào và xay đều lần cuối khoảng 30s)

Bước 3: Lọc

Lọc hỗn hợp thu được qua rây lọc hoặc túi vải lọc.

Nếu dùng rây lọc thì sữa vẫn còn khá nhiều lợn cợn. Vì vậy riêng với sữa hạnh nhân mình hay dùng túi vải lọc như trong hình, trong khi sữa hạt điều rất mịn không hề có cặn thì mình chỉ lọc qua rây.

Thêm chút muối, chút đường (nếu muốn). Mình thì không dùng đường thấy ngon lắm.

Almond-milk-5Almond-milk-6

(Từ trái sang: 5. Đổ hỗn hợp đã xay ra âu đựng có bọc túi lọc trên miệng; 6. vắt kiệt phần nước)

Ta daaa…. Chúng ta đã có sữa hạnh nhân trắng mịn trong tay. Lúc này có thể ực ngay để thưởng thức. Hoặc đổ hỗn hợp sữa trở lại máy xay, xay thêm cùng quả chà là, bột quế hay các loại nguyên liệu biến tấu khác nếu bạn muốn. Sữa này cũng dễ đón nhận bởi các bé lắm nên các mẹ muốn thay sữa bò bằng loại sữa lành hơn, an toàn hơn thì có thể tự tay làm sữa hạnh nhân mỗi ngày cho con. Một khi đã làm vài lần bạn sẽ thấy tổng thời gian làm sữa rất nhanh gọn, chỉ mất thời gian ngâm qua đêm thôi.

Sữa hạnh nhân để được trong ngăn mát tủ lạnh 2 ngày (thậm chí 3 ngày không sao, mình đã thử). Nếu trót để lâu mà sữa chưa hỏng (chưa thấy thay đổi mùi vị gì) thì có thể hâm nóng lên trước khi uống cho yên tâm.

Mình đã từng thử làm sữa với quả chà là (cho sữa có vị ngọt dịu thơm), một chút bột quế, rất ưng. Ngoài cách làm như mình đề cập, có một cách khác khi làm sữa thực vật là xay hạt từ lúc sống rồi mới đun. Cách này với một số loại hạt như hạnh nhân và óc chó sẽ cần rất cẩn thận khi đun sau xay lọc, bởi nếu đun lửa to và sôi thì sữa sẽ bị lợn cợn, chỉ nên đun rất nhỏ lửa, khuấy liên tục và mấp mé sôi. Túm lại là mình thích cách của mình nhất, không đun lại sau khi đã xay, lọc.

Cách làm trên có thể áp dụng tương tự cho các loại sữa hạt (nut milk) khác, chỉ có thời gian ngâm các loại hạt sẽ khác nhau:

Hạnh nhân: 8 – 12 h
Macadamias: 8 h
Hạt điều: 2-4 h
Hạt thông (pine nut): 8 h
Hạt phỉ (halzenut): 8h 
Hạt óc chó (walnut) hoặc hồ đào (pecan): 1-2 h
Hạt dẻ cười: không cần ngâm
Yến mạch: 15 phút trở lên

Trong các loại nut milk mình đã làm thì nói thực mình vẫn thích sữa hạnh nhân hạt điều nhất.  Sau đó là sữa dừa (các bạn có biết sữa dừa tự làm dễ và nhanh và ngon đến thế nào không, xem tại đây). Và một lưu ý nữa về chất lượng sữa tự làm tại nhà phụ thuộc rất nhiều chất lượng nguyên liệu. Vì vậy các bạn đặc biệt chú ý nếu hạt của mình đã xuất hiện mùi hôi thì không nên dùng làm sữa vì khi làm sữa chủ yếu mình nên làm hạt dạng thô (không qua tẩm sấy bơ muối đường gì hết).

Ứng dụng sữa hạnh nhân thì vô vàn. Mình thì dùng sữa hạnh nhân thay cho tất cả các công thức cần đến sữa.
Đừng quên thử loại Sữa Xanh giàu tính kiềm vừa thanh vừa ngon này.
Và cũng đừng khám phá thêm rất nhiều món sinh tố xanh trên blog của mình để áp dụng sữa hạnh nhân nhé.

Các bạn có hay làm sữa hạnh nhân không? Trong các loại sữa hạt thì bạn thích loại nào?

Almond milk - Tự làm sữa hạnh nhân

Print Recipe
Serves: 1l Cooking Time: 15min

Ingredients (4 items)

  • 100 - 120 gr hạt hạnh nhân (nếu mua được hạnh nhân có chứng nhận hữu cơ là tốt nhất tuy nhiên giá thành cũng tốt không kém)
  • 1 lít nước lọc
  • 1 xíu muối biển
  • 1 xíu đường thô (hoặc xay sữa cùng vài quả chà là)

Instructions (6 Steps)

1

Ngâm hạt hạnh nhân ngập trong nước. Thời gian ngâm từ 8-10h (hoặc qua đêm). Nếu vội có thể ngâm 1h trong nước nóng. Đổ bỏ phần nước ngâm.

2

Luộc hạt hạnh nhân trong vòng 5-10 phút. Đổ bỏ nước luộc. Bóp để loại bỏ vỏ lụa của hạt. Có thể bỏ qua bước này.

3

Dùng máy xay sinh tố xay hạt hạnh nhân cùng nước lọc trong vòng 1-2 phút chia làm vài lần ấn máy để tránh nóng máy. Nếu dùng chà là hay quả vani thì có thể xay cùng luôn.

4

Lọc hỗn hợp qua túi vải lọc. Dùng tay bóp hết phần nước ra khỏi bã. Nếu dùng rây lọc lưới nhỏ thì phải lọc vài lần nếu không muốn sữa lợn cợn bã.

5

Thêm chút muối tùy khẩu vị.

Notes

Sữa hạnh nhân nếu không dùng hết nên bảo quản giống juice: đựng vào các chai thủy tinh nắp kín trong ngăn mát. Để được 2-3 ngày. Lắc đều trước khi uống vì để một thời gian sữa sẽ lắng cặn. Lắng cặn là hoàn toàn bình thường.

Happy Plant-based Milk/ Plant-based Milk/ Recipes

Cách làm sữa nghệ đơn giản chất và ngon (Turmeric Latte)

Thank life I found you!

Trời ơi sao lại có món đồ uống tuyệt vậy nhỉ? Giá như mình biết đến em ấy sớm hơn, nhưng muộn còn hơn không.
Món này ai không thích nghệ cũng phải suy nghĩ lại. Ai thích nghệ mà ko thử thì uổng phí cuộc đời. Thật luôn!

Turmeric latte còn được gọi là Golden mylk ( dùng chữ mylk thay cho milk là để chỉ các loại sữa không phải từ động vật). Sữa vàng nhé! Không chỉ bởi màu vàng rực rỡ mà còn ở lợi ích của ẻm. Hiện nay các cửa hàng cafe từ Mỹ tới Âu, Úc đều đưa ẻm vào menu và được cộng đồng các nước phương Tây hưởng ứng nhiệt tình. Báo cáo của Google cho thấy tỉ lệ tìm từ khoá turmeric latte và tên loại gia vị này tăng gấp đôi trong chưa đầy 3 tháng cuối năm 2015 và tăng 300% trong vòng 5 năm gần đây. Đủ để thấy độ hot của nghệ với phương tây. Còn với chúng mình châu Á thì nghệ không có gì mới mẻ xa lạ cả. Tuy nhiên sữa nghệ, món đồ uống đang làm mưa gió trong cộng đồng sống khoẻ trên thế giới, lại còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Tại sao không nhân rộng món đồ uống tuyệt vời này nhỉ? Rất nhiều người đang pha tinh bột nghệ với mật ong để uống hàng ngày. Sữa nghệ hoàn toàn có thể là lựa chọn tuyệt vời cho tất cả các đối tượng từ trẻ nhỏ tới thai phụ hay người cao tuổi, có bệnh hay hoàn toàn khoẻ mạnh. Cái chính là nó còn ngon cơ!

Mà lại còn rất dễ để làm tại nhà nhé!

Cơ bản sữa nghệ được pha từ: sữa (nên chọn sữa từ thực vật: ngon nhất là sữa hạnh nhân/ hạt điều / sữa dừa) và Nghệ (ép tươi lấy nước, hoặc dùng bột nghệ pha với chút nước ấm cho tan). Nguyên liệu phụ không bắt buộc: chút quế, chút mật ong, chút dầu dừa, thậm chí chút hạt tiêu (yes, bạn cứ thử đi!)

Công thức cụ thể mình đã làm, và hoàn toàn ngây ngất là như sau:

1l Sữa hạnh nhân hạt điều
50gr hạnh nhân & 50gr hạt điều rang muối (cả 2 loại hạt đều ngâm 8h, luộc 5p và bỏ vỏ). Xay cùng 1l nước lọc trong máy xay sinh tố. Lọc qua rây.

Cho hỗn hợp sữa lên bếp đun nhỏ lửa (ko đun sôi nếu ko sữa có hạnh nhân sẽ bị lợn cợn tách nước)

Thêm 1tsp bột nghệ (hoặc nước ép của 1 củ nghệ bằng ngón tay cái).
1tsp bột quế
Xíu đường mía
Thêm tị ti muối biển (giúp sữa đậm đà hơn và bảo quản lâu hơn).

Phiên bản uống nóng ta thêm 1 thìa dầu dừa ép lạnh, ngon cực kì! Phiên bản để uống lạnh ta có thể bỏ qua dầu dừa hoặc cho rất ít thôi vì khi lạnh dầu dừa hơi đông lại lúc uống có thể thấy vài ba cục dầu dừa nho nhỏ hè hè.

Rót ra cốc, rắc thêm tị quế nữa. Hít hà! Ngắm nhìn cái màu nghệ óng ánh vàng đượm ấy. Nếm đi! Nó ngậy ngậy thơm, thoang thoảng mùi nghệ, phảng mùi quế ấm…. Ực ực

Nếu làm bằng sữa dừa thì ta xay 1l nước nóng già cùng 300gr dừa nạo, lọc qua rây. Sau đó xay cùng nghệ và các ngyên liệu còn lại tương tự nhé.

Nếu làm bằng tinh bột nghệ thì sữa không có màu vàng rực mà chỉ hơi ánh vàng nhẹ, không thơm bằng, nhưng vẫn ngon. Nếu nhà bạn có sẵn tinh bột nghệ thì có thể thử. Tuy nhiên mình thích nghệ dạng tươi hoặc dạng bột nguyên thể hơn tinh bột nghệ.

Ôi. Mình ước ao thật nhiều người biết đến món sữa nghệ ngon bổ lành này. Rất mong mọi người triển khai ngay hôm nay và chia sẻ thành phẩm trong comment dưới post này nhá!

Các bạn có thể đọc thêm về bài viết sữa nghệ của mình phối hợp cùng báo Soha Magazine tại đây

turmericlatte

Turmeric Latte - Sữa nghệ

Print Recipe
Serves: 1l Cooking Time: 30min

Ingredients (6 items)

  • 1l Sữa hạnh nhân hạt điều (được làm từ 50gr hạnh nhân & 50gr hạt điều rang muối)
  • 1tsp bột nghệ (hoặc nước ép của 1 củ nghệ bằng ngón tay cái).
  • 1tsp bột quế
  • 1 tsp đường mía (hoặc đường dừa hay đường dạng thô, nếu không có thì dùng loại đường nhà bạn sẵn có). Nếu không dùng đường bạn có thể dùng mật ong.
  • 1/4 tsp muối biển (giúp sữa đậm đà hơn và bảo quản lâu hơn).

Instructions (6 Steps)

1

Để làm 1 lít sữa hạnh nhân hạt điều:

2

Cả 2 loại hạt đều ngâm 8h, luộc 5p và bỏ vỏ, xay cùng 1l nước lọc trong máy xay sinh tố, lọc qua rây).

3

Cho hỗn hợp sữa lên bếp đun nhỏ lửa (ko đun sôi to lửa nếu ko sữa có hạnh nhân sẽ dễ bị lợn cợn tách nước)

4

Thêm các loại bột gia vị còn lại, nguấy đều.

5

Phiên bản uống nóng ta thêm 1 thìa dầu dừa ép lạnh, ngon cực kì! Phiên bản để uống lạnh ta có thể bỏ qua dầu dừa hoặc cho rất ít thôi vì khi lạnh dầu dừa hơi đông lại lúc uống có thể thấy vài ba cục dầu dừa nho nhỏ hè hè.

6

Rót ra cốc, rắc thêm tị quế nữa. Hít hà! Ngắm nhìn cái màu nghệ óng ánh vàng đượm ấy. Nếm đi! Nó ngậy ngậy thơm, thoang thoảng mùi nghệ, phảng mùi quế ấm.... Ực ực

Notes

Nếu làm bằng tinh bột nghệ thì sữa không có màu vàng rực mà chỉ hơi ánh vàng nhẹ, không thơm bằng, nhưng vẫn ngon. Nếu nhà bạn có sẵn tinh bột nghệ thì có thể thử. Tuy nhiên mình thích nghệ dạng tươi hoặc dạng bột nguyên thể hơn tinh bột nghệ.

Happy Plant-based Milk/ JUICE RECIPES/ Plant-based Milk/ Recipes

Cách làm sữa cà rốt cực ngon – Carrot mylk

Các loại sữa thực vật khi được mix mix trộn trộn với hoa quả mùi vị rất ngon (sữa chuối là món mình rất khoái), và khi mix với củ không ngờ cũng ngon không kém, ví dụ như món sữa cà rốt này.

Sữa cà rốt được bán phổ biến ngoài phố, quán cafe hay cửa hàng ở các nước như Malaysia hay Ấn Độ như một món đồ uống thân thuộc, giản dị. Tuy nhiên tại Việt Nam, có thể một phần sữa thực vật chưa được bán phổ biến nên các biến thể của nó như sữa nghệ hay sữa cà rốt cũng chưa được bán rộng rãi.

Thành phần món này cũng chỉ cơ bản từ 3 nguyên liệu: cà rốt (chín hoặc ép nước sống), và sữa (sữa bò hoặc sữa thực vật), thêm chút gia vị cho tăng hương vị (quế, cardamom/bạch đậu khấu, safffron, gừng…tuỳ) và chất tạo ngọt (đường, mật ong hay mapple syrup, hay xay cùng ít chà là/nho khô lấy ngọt tự nhiên). Vậy nhưng có những thứ đơn giản lại cực kỳ hay. Làm lại không lâu. Để trong tủ lại được vài ngày cơ. Tiết kiệm được khối thời gian!

Có vài phiên bản làm sữa carot.

Cách 1: cà rốt nấu chín + sữa

Cà rốt thái khoanh, hấp hoặc luộc chín, xay nhuyễn trong máy xay sinh tố, bỏ  sữavào hâm nóng, thêm các loại gia vị và đường. Lưu ý nếu làm từ sữa nền là sữa hạnh nhân thì không được đun sôi to lửa, chỉ để lửa rất nhỏ và hâm ấm, cốt để hòa quyện cùng với phần cà rốt đã xay.

Cách 2: là cách của mình như sau

3 củ cà rốt to (nếu nhỏ thì 4-5 củ) ép lấy khoảng 50ml juice cốt
1 l Sữa hạnh nhân (ngâm 100gr hạnh nhân, luộc hạt, bỏ vỏ, xay nhuyễn cùng 1l nước lọc ấm, lọc qua rây bỏ bã)
1 tbsp bơ lạc (hoặc bơ hạnh nhân hay các loại bơ hạt tuỳ vv). Không có bơ thì tăng lượng hạnh nhân cho sữa đặc ngậy hơn nữa.
1tsp bột quế
1tsp vani tinh chất (optional)

Cà rốt ép lấy nước cốt bằng máy ép. Dùng juice carrot đổ vào cùng sữa hạnh nhân. Thêm bột quế và bơ lạc, mật ong. Ngoáy tung lên cho tất cả tan cùng nhau. Thưởng thức 🙂

Sữa hạnh nhân đã ngon rồi, thêm juice carrot và bơ lạc ngậy thơm, cho xíu mật ong và quế rất dậy mùi. Màu sữa cam cam cực yêu. Phiên bản này mình uống mát. Nếu uống ấm thì hâm lên cho xíu gừng (lúc ép cà rốt ép luôn tí gừng, hoặc đập dập cho vào nồi sữa khi hâm), rất ấm lòng. Trẻ con cũng thích.

Ai không có máy ép thì làm bằng máy xay sinh tố. Xay tất cả hạnh nhân lẫn cà rốt khi làm sữa rồi lọc cả thể cũng được.

Ai thích làm carrot chín thì theo cách 1. Thích ngậy và nịnh lưỡi nữa thì có thể dùng sữa đặc. Tuy nhiên,mình là fan của juice nên cái gì raw được là mình dùng raw. Rau củ sau khi nấu chín mất đi lượng vitamin chất khoáng hơn là dùng sống. Và mình làm vegan, không sữa bò hay sữa đặc.

Sữa này để tủ lạnh được ít nhất 2 ngày. Uống rất thú vị ấy.

Túm lại là rất nên thử 😉

Các bạn làm thử và comment kết quả phía dưới nhé!

Carrot milk - Sữa cà rốt

Print Recipe
Serves: 1l Cooking Time: 30min

Ingredients (5 items)

  • 3 củ cà rốt to (nếu nhỏ thì 4-5 củ) ép lấy khoảng 50ml juice cốt
  • 1 l Sữa hạnh nhân (ngâm 100gr hạnh nhân, luộc hạt, bỏ vỏ, xay nhuyễn cùng 1l nước lọc ấm, lọc qua rây bỏ bã)
  • 1 tbsp bơ lạc (hoặc bơ hạnh nhân hay các loại bơ hạt tuỳ vv). Không có bơ thì tăng lượng hạnh nhân cho sữa đặc ngậy hơn nữa.
  • 1tsp bột quế
  • 1tsp vani tinh chất (optional)

Instructions (5 Steps)

1

Cách 1: Từ juice cà rốt

2

Cà rốt ép lấy nước cốt bằng máy ép. Dùng juice carrot đổ vào cùng sữa hạnh nhân. Thêm bột quế và bơ lạc, mật ong. Ngoáy tung lên cho tất cả tan cùng nhau, hoặc dùng blender để xay trộn tất cả cho đều. Thưởng thức 🙂

3

Cách 2: Đun cà rốt chín rồi xay

4

Cà rốt thái khoanh, hấp hoặc luộc chín, xay nhuyễn trong máy xay sinh tố, bỏ sữa vào hâm nóng, thêm các loại gia vị và đường tùy ý.

Notes

Lưu ý nếu làm từ sữa nền là sữa hạnh nhân và chọn cách 2 có dùng nhiệt thì không được đun sôi to lửa, chỉ để lửa rất nhỏ và hâm ấm, cốt để hòa quyện cùng với phần cà rốt đã xay, vì sữa hạnh nhân đun lửa to sẽ bị tách nước trở nên lợn cợn.