Giữa tháng 10 giông gió, True Juice nhận được tin nhắn đặc biệt từ chị Thanh Lam, một người lạ trên Internet. Chị muốn xin thu gom thật nhiều bã ép rau củ quả từ True Juice cho một dự án đặc biệt, với mục đích ủng hộ bà con miền trung sau trận bão lũ lịch sử.
“Bã ép giúp được gì cho miền trung?”
Có thể bạn cũng như mình, sẽ lập tức bật ra câu hỏi trong đầu. Chúng mình từng tận dụng bã ép cho rất nhiều mục đích khác nhau, từ bón cây đến đắp mặt nạ, hay chế thành nguyên liệu trong các món ăn hấp dẫn: bánh quy, pancake, đế pizza, nhân burger… Nhưng chúng mình chưa từng nghĩ đến việc đống bã ép sặc sỡ của hàng nghìn chai nước ép mỗi ngày sẽ có lúc được “khăn gói” vào tận miền trung, dưới một vai trò thật mới: 𝒃𝒐̣̂𝒕 𝒑𝒉𝒂̂𝒏 𝒉𝒖̉𝒚 để dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ.
“Cái chị hiện làm có tên là Mevi, một phương pháp lên men các lợi khuẩn và nấm mốc có lợi từ các chất hữu cơ, tạm gọi là mình nuôi nó đi. Rồi khi gặp các chất gây ô nhiễm như bùn, xác động vật, Mevi sẽ giúp các thứ đó phân hủy nhanh hơn, đồng thời làm giảm mùi hôi”, chị Lam giải thích.
Mevi hoàn toàn có thể làm từ các nguyên liệu khác, nhưng chị Lam muốn tận dụng rác thải. Như vậy, mục đích hạn chế ô nhiễm môi trường của chị được thực hiện hai lần, 1 là giải quyết bã ép rau củ, 2 là giải quyết ô nhiễm do xác động vật.
Về bản chất, rắc Mevi tức là rắc các lợi khuẩn lên xác; lợi khuẩn với số lượng đông, mạnh khoẻ sẽ lấn át được hại khuẩn (chính là mấy con gây mùi). Nếu chôn xác động vật trong điều kiện đất ngập nước sau lũ, xác khó hoặc lâu phân hủy thì ô nhiễm sẽ lan ra nguồn nước, dễ dẫn đến dịch bệnh và tạo thêm tổn thất cho cư dân vùng lũ.
Để làm ra Mevi, chị Lam phải thêm đường, men rượu và một số loại bột (chị cũng đi xin bột hết hạn của nhiều gia đình khác). Tính ra, chị hoàn toàn có thể ủng hộ 200K, 500K vào quỹ cứu trợ thay vì bỏ tiền và công sức làm bột phân hủy. Tuy nhiên, chị nhận thấy hành động của mình sẽ góp phần lan tỏa thông điệp về rác thải và môi trường, do đó giá trị của nó sẽ vượt xa số tiền kể trên.
“Giúp bà con thế này, họ sẽ tò mò đó là thứ gì mà giúp phân hủy nhanh, giúp hết mùi hôi, rồi mình có cơ hội đưa phương pháp đó tới bà con. Vừa đỡ tốn tiền mua phân bón, vừa đỡ xả rác, vừa giúp ích cho đất đai vì bà con sẽ không cần phải bón phân vô cơ nữa, không phải dùng thuốc trừ sâu hay diệt cỏ nữa”, chị Lam phân tích kỹ lợi ích.
Tuần 3 buổi đều đặn, chị Lam ghé True Juice và mang bã ép về nhà. Sau khi tự tay trộn nguyên liệu, phơi khô, sấy khô để vận chuyển cho dễ, chị gửi vào cho các nhóm trong miền trung – những người sẽ trực tiếp tới địa phương để giúp bà con xử lý ô nhiễm sau lũ. Tất cả là thành viên của group Liên minh nông nghiệp tử tế, phối hợp với nhau khá ăn ý. Người ở trong đó không có điều kiện làm bột phân hủy do mưa gió và ngập nước, chị Lam và nhiều thành viên khác khắp cả nước sẽ chủ động làm và gửi về nơi cần sử dụng.
Bạn biết đấy, ngay cả khi cơn lũ thôi hoành hành, ngay cả khi nước dần rút đi và để lộ ra hình hài đầy đủ của những ngôi nhà thay vì chỉ có mỗi phần mái nhô lên, bà con miền trung vẫn còn vô vàn khó khăn ở trước mắt. Những gì còn lại sau lũ là nỗi đau, là cảnh hoang tàn, là nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm.
Thật may mắn vì True Juice có cơ hội được hỗ trợ một phần nhỏ nhoi trong công cuộc xử lý rác thải sau lũ, bên cạnh những ủng hộ về vật chất dành cho bà con miền trung.
Và thật may mắn khi được chứng kiến “cuộc đời” của bã ép rau củ kéo dài một cách ý nghĩa như vậy, theo cách chúng mình chưa từng ngờ tới.
No Comments