Happy Juicing/ Juicing Basics

Juicing Tips – Kinh nghiệm làm nước ép

Sau một thời gian làm juice nhiều, mình tham khảo và tự rút ra được nhiều kinh nghiệm để quá trình juicing tiết kiệm thời gian cũng như suôn sẻ. Juicing đúng là rất tốt cho sức khỏe nếu đúng cách. Tuy nhiên nó đòi hỏi sự đầu tư nhất định về công sức và thời gian. Nếu các bạn kiên trì sau một vài tuần, việc làm juice sẽ trở thành thói quen thường xuyên và mọi thứ đi vào quỹ đạo dễ dàng. Hi vọng các mẹo nhỏ và kinh nghiệm mình chia sẻ dưới đây sẽ giúp ích cho các bạn, cả những người mới bắt đầu và những bạn đã quen juice.

Khâu chuẩn bị

1. Lập kế hoạch – chuẩn bị danh sách nguyên liệu cần mua hàng tuần: Theo kinh nghiệm thực tế của mình, việc chuẩn bị nguyên liệu luôn sẵn sàng trong bếp nhà bạn quyết định tần suất và số lượng bạn ép mỗi ngày. Bạn sẽ ép nếu rau quả có rất sẵn trong tủ lạnh. Bạn sẽ ép nhiều hơn nếu có nhiều nguyên liệu hơn. Thậm chí khi bạn không có cảm hứng hoặc ngại ép thì khi nhìn thấy đống rau củ trong tủ có nấu ăn cũng không hết thì nhất định bạn phải lôi chúng ra ép. Đôi khi đó là động lực cho những ngày lười biếng. Hàng tuần, bạn nên có một danh sách các loại rau củ quả cho juicing. Nếu danh sách đó có số lượng cụ thể thì càng tốt. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh danh sách đó theo mùa và theo nhu cầu của gia đình mình mỗi tuần.

2. Sơ chế nguyên liệu trước: Để tiết kiệm thời gian cho làm juice buổi sáng mỗi ngày (hoặc bất kỳ lúc nào trong ngày), việc chuẩn bị và sơ chế qua các nguyên liệu từ tối hôm trước là rất quan trọng. Nếu bạn có sẵn các công thức dự định cho sáng hôm sau, hãy lôi tất cả nguyên liệu tương ứng cho các công thức đó ra để chuẩn bị: rửa rau, gọt củ quả, cất các nguyên liệu cho từng công thức vào từng hộp chứa riêng (hoặc túi ziplock kín) để cho vào tủ lạnh. Tốt nhất là bạn đừng cắt nhỏ rau củ lúc này mà hãy để ngay trước lúc ép, bởi khi rau củ quả đã được cắt nhỏ, tốc độ giảm dinh dưỡng sẽ nhanh hơn. Nếu có quá ít thời gian buổi sáng, bạn có thể cắt sẵn. Ngoài ra, hãy lắp máy ép sẵn sàng ngay từ buổi tối hôm trước. Một khi đã chuẩn bị rồi thì bạn không có lý do gì mà không ép ngày hôm sau. Quá tiện!

preparation

Khâu ép

Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn các nguyên liệu rồi, bây giờ chỉ việc cắt và cho vào máy ép thôi. Hãy nhớ, luôn uống nước ép ngay khi vừa ép xong để hưởng tối đa dinh dưỡng nhé.

1. Cắt sẵn rau củ quả để vừa miệng máy ép trước khi bắt đầu ép. Cắt to hay nhỏ sẽ tùy kích cỡ miệng máy. Đừng để vừa ép vừa phải quay ra cắt gọt rất mất thời gian và lỉnh kỉnh.

2. Nhớ bỏ hạt cứng của quả trước khi ép, ngoại trừ các loại hạt mềm như hạt nho và hạt ổi (nếu là loại ổi to hạt siêu cứng thì mới nên bỏ), lựu, cà chua v.v.

3. Luôn ép xen kẽ củ quả cùng rau (nếu có) để tránh tắc máy: các loại rau có rất nhiều các sợi xơ dài (khác với xơ của củ quả), và rất dễ gây tắc máy nếu không được cắt nhỏ hoặc chỉ ép rau liên tục. Vì vậy khi ép chúng ta cần lưu ý xen kẽ rau theo sau bởi các loại củ quả cứng hơn để các loại này giúp đẩy bã và xơ nhanh hơn. Với các loại củ quả mình cắt dạng thanh dài, nhưng riêng với rau mình cắt khúc ngắn để giảm phần xơ dài dễ gây tắc máy (tin mình đi, máy ép chậm cũng rất dễ bị tắc nếu liên tục nhét rau nhiều xơ). Một bài học đau đớn nữa của mình là ép ruột chanh leo: đừng bao giờ ép liên tục mà phải xen kẽ các loại củ quả, vì hạt chanh leo khi đã ép rất sắc và cứng như những hạt sạn có thể gây tắc và xước phần motor.

4. Điều chỉnh tốc độ máy ép: Nếu sử dụng máy ép ly tâm có nhiều tốc độ, lưu ý điều chỉnh phù hợp cho các loại nguyên liệu – tốc độ cao hơn cho các loại rau củ cứng, và thấp cho các loại hoa quả và rau mềm. Thường các máy loại này có kèm hướng dẫn sử dụng nêu rõ các tốc độ.

5. Đổ bã vào ép lại lần 2 nếu cần nếu thấy phần bã còn ướt nhiều. Thông thường với máy ép chậm loại tốt khâu này cũng không quá cần thiết.

6. Không thúc các nguyên liệu quá nhiều, nhanh và mạnh. Cứ từ từ các nguyên liệu sẽ được nghiền/ép dần, máy ép chậm sẽ cần nhiều thời gian hơn máy ép ly tâm khi làm việc. Đặc biệt khi liên tục ép số lượng nhiều, bạn nên xen kẽ nước lọc để tráng máy trong quá trình ép, cũng như đôi lúc dùng chế độ Quay ngược “Reverse” khoảng 5-10s rồi lại ép như bình thường. Khi máy ép bị tải nhiều nguyên liệu quá, cộng thêm cửa ra bã có thể hơi tắc, khả năng cao phần nước ép của bạn sẽ bị lẫn nhiều bã lợn cợn. Lúc này bạn có thể bỏ hẳn máy ra tráng qua nước và thông lại cửa ra bã trước khi ép tiếp mẻ sau. Với những bạn không muốn nước ép có tí ti cặn/bã hay xơ nào, hãy đặt một cái rây lọc ngay trên âu hứng juice để lọc thêm một lần nữa bã.

7. Để máy chạy một lúc sau khi kết thúc: Sau khi dồn hết nguyên liệu vào cửa máy, đừng vội tắt máy luôn mà hãy để máy chạy một lúc để đảm bảo vắt hết phần nước cuối cùng. Nếu thấy bã vẫn đang di chuyển từng chút một từ phần cửa bã của máy tức là vẫn chưa ép hết. Kết thúc ta dùng một chút nước lọc để tráng máy.

8. Trong mọi công thức, bạn luôn có thể thêm một mẩu gừng nhỏ (xen kẽ ép cùng các nguyên liệu khác): gừng là loại gia vị cực kỳ bổ và đặc trưng khi ép. Có thể lần đầu bạn chưa quen sẽ thấy không hợp nhưng tin mình đi, cứ cho 1 mẩu cực nhỏ, dần dần khi đã quen vị rồi, bạn sẽ mê! Mà những người đã quen gừng rồi thì rất thích cho gừng vào mọi loại juice 😉

Sau khi ép

1. Nên rửa máy ép ngay sau khi ép xong: Càng để lâu thì càng khó rửa vì các phần bã bám vào máy khô cứng lại. Ngoài ra bã từ rau củ rất dễ lên men lên mùi, cũng như một số loại nguyên liệu có thể bám màu gây khó cọ rửa nếu để lâu. Khi ép nghệ tươi thì việc rửa ngay sau đó là bắt buộc nếu bạn không muốn máy ép của mình bị bám màu vàng.

2. Nếu không rửa được máy ngay thì ít nhất cũng phải ngâm máy trong nước trong khi chờ tới lúc rửa (dĩ nhiên không ngâm phần động cơ mà chỉ bowl máy nhé).

3. Dụng cụ rửa riêng biệt: Luôn có sẵn một miếng giẻ mềm chuyên để rửa máy (nếu xác định ép thường xuyên thì những đồ chơi đi kèm phải luôn sẵn sàng để các bước đều tiện lợi). Nếu rửa máy thường xuyên mỗi ngày và ngay sau khi ép xong thì gần như không cần rửa xà phòng, chỉ cần rửa máy bằng nước ấm hoặc nước thường. Cách vài hôm rửa với xà phòng. Một số loại máy cho phép rửa được trong máy rửa bát, hãy kiểm tra hướng dẫn sử dụng đi kèm máy. Với máy ép chậm của Hurom như máy của mình có đi kèm giá phơi: rất tiện và gọn gàng không tốn chỗ vì các bộ phận chồng lên nhau. Còn nếu không có, bạn cứ úp gọn gàng ở chỗ nào thuận tiện cho mỗi ngày sử dụng.

storing

Bảo quản juice

1. Làm số lượng gấp đôi, gấp ba: uống ngay một phần và bảo quản phần còn lại để uống dần trong ngày hoặc thậm chí ngày hôm sau (với máy ép chậm).

2. Môi trường bảo quản tốt nhất cho juice chính là giữ nước ép tránh xa ánh sáng và nhiệt độ cao.

3. Đổ nước ép đầy tới miệng chai nắp kín và trữ lạnh ngay lập tức. Càng để juice ở nhiệt độ phòng càng lâu thì càng tăng khả năng oxy hóa và giảm dinh dưỡng của nước ép.

4. Luôn bảo quản juice trong ngăn lạnh của tủ lạnh (1-5°C). Thời gian lưu trữ tối đa là trong vòng 24 h (máy ép ly tâm) và 48 h (máy ép chậm). Nếu cần di chuyển và mang juice theo, bạn nên có một túi lạnh giữ nhiệt.

5. Cấp đông (<0°C). Nếu bạn không có thời gian để ép mỗi ngày, bạn có thể ép một mẻ lớn và đóng chai trữ trong ngăn đông lạnh. Mặc dù đông lạnh juice có thể bảo quản tốt nhưng mùi vị không được ngon như nước ép trữ ngăn lạnh. Nếu cần cấp đông, bạn phải làm ngay khi vừa ép xong. Rã đông trong ngăn mát khoảng 5-8h trước khi uống (rã đông qua đêm). Nước ép đông lạnh có thể sử dụng trong vòng 10 ngày, và một khi đã rã đông phải uống càng sớm càng tốt trong vòng tối đa 12h.

6. Nên sử dụng các chai thủy tinh nắp kín dung tích 250-300ml cho việc bảo quản juice. Hiện nay đã có rất nhiều shop chuyên bán chai lọ thủy tinh để đựng nước giải khát với nhiều mẫu mã đẹp. Nên có ít nhất 5 chai trong nhà để tiện quay vòng và rửa mỗi ngày. Về lâu về dài, đựng juice trong chai nhựa dù có BPA free thì việc cọ rửa cũng không hoàn toàn yên tâm như thủy tinh vì bản thân nước ép rất dễ nhuộm màu nhựa. Bạn có thể dùng lại những lọ thủy tinh của các loại thực phẩm đã dùng hết, miễn là phần nắp không phải sắt hay kim loại dễ bị rỉ sét. Không nhất thiết phải là thủy tinh trong suốt vì thực ra tốt nhất nên dùng thủy tinh màu tối (miễn là đảm bảo an toàn), giúp tránh oxy hóa tốt hơn thủy tinh trong. Nếu cầu kỳ để giữ dinh dưỡng cho juice tốt nữa, bạn có thể bọc giấy bạc kín bên ngoài chai thủy tinh trong.

Thực ra kinh nghiệm mình liệt kê trên đây có vẻ nhiều nhưng cái quan trọng nhất chính là – cứ ép đi. Cứ bắt đầu, cứ ép, cứ làm, cứ uống đi. Bạn hoàn toàn có thể bổ sung những thứ còn thiếu để quá trình ép nhanh gọn hơn dần dần. Trải nghiệm mới đem lại niềm vui, đừng cầu toàn mọi bước ngay từ đầu nhé.

Tạm thời mình tổng hợp các mẹo đến đây. Khi nào nghĩ ra thêm mình sẽ bổ sung.

Các bạn có những mẹo nào nữa không? Cùng chia sẻ dưới đây nhé!

Huyen's Signature

Leave your Comments

Ad: under single post

You Might Also Like

2 Comments

  • Reply
    Michelle Ha
    07/10/2016 at 12:42 pm

    Hầu như các tips này đều được em áp dụng hết, quá là đầy đủ và chi tiết đi <3 em có 1 kinh nghiệm đau thương với sả, dù đã cắt nhỏ từng khúc khoảng 2cm nhưng lượng xơ trong sả là cực nhiều, lần đó máy tắc chưa từng thấy, em phải kéo ra như bứt rễ cây:)) Có lẽ lần sau nên tách từng lớp nữa ra và nói chung ko nên đùa với xơ rau củ:))

    • Reply
      huyentran
      07/10/2016 at 3:49 pm

      Đúng rồi. Sả chị toàn phải cắt nhỏ thành khúc chỉ 1cm thôi ý, như làm đồ ăn ý, vì biết nó xơ và cứng cũng hãi không dám tống vào máy đâu. Mấy loại nhiều xơ là phải hết sức cẩn thận.

    Leave a Reply