Browsing Tag:

nỗi đau

Uncategorized

SELF SABOTAGE (TỰ PHÁ HỦY)

“Vội vã những khám phá,
Hối hả những chắp ghép,
Bồi hồi những vụn vỡ,
Ôm ấp những niềm đau.”
Có lẽ tiêu đề sẽ hơi nổi cộm và đâu đó khiến chúng ta giật mình.
Nhưng nếu nhìn kĩ, chúng ta sẽ nhận thấy, TẤT CẢ chúng ta đều đã từng, bằng cách nào đó, hình thức nào đó, tự phá hủy/tự hủy hoại chính mình ở các mức độ khác nhau.
Có rất nhiều niềm tin mang tính phá hủy
Có rất nhiều suy nghĩ và lời nói mang tính phá hủy
Có rất nhiều hành động và thói quen mang tính phá hủy
Bản thân Huyền cũng có đầy. Chỉ là càng ngày mình càng nhận thức được khi những suy nghĩ đó nổi lên ra sao (đặc biệt khi cảm xúc đi xuống, năng lượng đi xuống).
Mình lớn lên từ nhỏ đã là một đứa trẻ bị bully. Bully 4 năm tiểu học, và còn đeo đẳng mãi đến mấy năm đầu cấp 2.
Và vì thế mình mang bên trong một tính cách tự ti và rất dễ tổn thương bởi lời nói của người khác.
Và bằng một cơ chế bản năng tự nhiên của tâm lý, các suy nghĩ mang tính rào cản, trì nặng và kéo tụt, hay nặng hơn là không chấp nhận/tự hủy hoại, là cách cơ thể và não bộ phản ứng ‘phòng vệ’ (không cần thiết) dựa trên các nỗi sợ.
Rồi mình chắp ghép lại những nỗi sợ rải rác trong hành trình của mình. Quá trình tự thoát khỏi rào cản bên trong và những nỗi sợ rất sâu ở trong mình là một quá trình không nhanh chóng. Nhưng nó đã và đang được chuyển đổi.
Và mình muốn chia sẻ điều này để các bạn biết rằng:
Chúng ta có mọi khả năng để quyết định thực tại của chính mình.
Không có điều gì quyết định được bạn sẽ suy nghĩ gì, chọn hành động gì, chọn nói ra những lời thế nào. Ngoài bạn.
Trong quá trình tự thực hành cho bản thân, có một số những message mình nhận được mà mình ghi lại.
Trong đó có những điều sau. Hi vọng bạn cũng có thể sử dụng những lời khẳng định này để NHẮC bản thân bạn. Trong những lúc bạn nổi lên các suy nghĩ như: chưa tin mình sẽ làm được, mình lười lắm, mình bận quá, mình không biết có làm được không, mình không xứng đáng…

Các bước để đối mặt với Self Sabotage – Những suy nghĩ tự hủy hoại:

1. Nhận biết:
Một cách chân thực, khách quan, không đánh giá. Hãy nhẹ nhàng nhận ra cái suy nghĩ gì đang chiếm ngự mình. Cảm xúc gì nó gây ra cho mình. Chỉ nhận biết, không đánh giá, không quy chụp. (bước này là quan trọng nhất)
2. Hồi tưởng:
Nhìn ra những trải nghiệm nào trong quá khứ, những sự kiện, những thử thách/biến cố nào đã từng xảy ra, có thể đã khiến mình có phản ứng như hiện tại.
Hãy tha thứ cho bản thân và tự cứu mình ra khỏi những bối cảnh của quá khứ. Hãy ôm lấy cảm xúc đó của chính mình giống như đứa trẻ tổn thương cần cái ôm của cha mẹ.
3. Chuyển đổi:
Nhắc bản thân rằng: những trải nghiệm của quá khứ hoàn toàn có thể lặp lại ở hiện tại, nếu mình không thay đổi.
Nhận biết khả năng mình hoàn toàn có thể quyết định điều đó/suy nghĩ/hành động đó, có lặp lại tiếp hay không.
Tự cho mình một cơ hội và niềm tin để chuyển đổi.
Bạn sẽ thành công nhất nếu áp dụng được thay đổi cho chính những suy nghĩ hay lặp đi lặp lại hàng ngày nhất, chứ không phải chỉ ở những quyết định quan trọng trong đời.
Việc chúng ta đang dành ra những khoảng tĩnh tâm mỗi sáng, để quan sát hơi thở và thiền, chính là thực hành tăng khả năng quan sát và nhận biết Tâm trí của chính mình nhạy bén hơn đó.
Bạn đã từng nhận ra những suy nghĩ tiêu cực và tự hủy hoại nào của chính mình chưa?
Chia sẻ cùng nhau tại comment nhé!
Uncategorized

Nỗi đau là một người thầy tuyệt vời

Khi đau chúng ta thường khóc với người khác.
Vì chúng ta trông cậy vào tình thương của những người bên ngoài.
Nhưng thực ra cơn đau là một người thầy tuyệt vời. Đau cả thể chất hay tâm hồn. Chúng đều là những bài học.
Càng nhận biết, càng quan sát, càng nhìn sâu vào nó. Thì lại càng học được nhiều.
Ai cũng có những vấn đề của riêng mình. Và nếu chỉ chờ hoàn toàn sự giúp đỡ của bên ngoài thì bạn đang lãng phí rất nhiều khả năng tự chữa lành của chính bản thân mình.
Chầm chậm.
Từng chút một.
Hãy thử một lần cảm nhận và trải nghiệm nỗi đau của bạn một cách yên tĩnh.
Rất có thể bạn sẽ thấy dâng lên trong mình rất nhiều cảm xúc sống động, nhưng cũng đồng thời rất yên bình.
Đây là khung cảnh văn phòng của mình. Từ một đứa không bao giờ trồng được cái cây nào, giờ đã yêu những thứ mang năng lượng sống như thế này, tình cảm đó nó tự đến bên trong mặc dù mình ko chủ đích.
Vào một buổi chiều khi cái lưng đau mỏi, sau một chuỗi động tác kéo dãn cho nó bớt căng tức, trong lúc nằm rạp cúi đầu, hoàn toàn thả mình chìm sâu trên sàn gạch mát lạnh, cô gái đã tự thấy tiếng nói vỗ về và chữa lành bên trong chính mình, dẫn mình và nâng đỡ mình sang một trạng thái an lành dễ chịu. Hóa ra mình đã tự dẫn thiền cho bản thân.
Chúng ta đều có những điều tốt đẹp bên trong. Vì bản chất của bất kì ai cũng là như vậy.
Yoga hay những phương pháp luyện tập tốt đẹp là những cách thức giúp bạn tìm về với bản chất tốt đẹp của bạn. Bạn càng căng thẳng và đau buồn chán nản, tức là càng đang xa rời tâm của chính mình.
Lần tới khi bạn khóc. Bạn đau. Đừng vội tìm đến người khác ngay.
Hãy thử một lần quan sát chính bạn trong yên lặng.
Bạn thấy điều gì?
Uncategorized

Ý nghĩa của Thất Bại và những Nỗi Đau

Thông thường cuối năm mọi người hay ngồi list lại những thành quả hoặc highlights họ đã làm được những việc gì trong năm, các mốc lớn họ đạt được.
Thường người ta hay nhìn vào những thứ GAIN được trong năm.
Thế còn những thất bại thì sao?

Một câu để mô tả khi nhìn nhận lại quá trình phản chiếu bản thân của mình trong cả năm vừa rồi, đó chính là: WHAT A F* YEAR!

Và mình muốn kể với bạn về những thất bại của mình.

– Năm 2019 của mình là một năm mình ít làm được các việc nhất:
một năm chỉ publish vỏn vẹn 5 bài post trên blog
một năm chẳng có một hoạt động Jyogi outdoor nào, chẳng có một Meetup offline nào cho nhóm Juicing Yoga Lovers, chẳng có những bài chia sẻ chất lượng và đẹp đẽ nào đáng kể
một năm lập một kênh youtube nhưng chỉ làm được vài video clip rồi dừng, vài thứ dựng lên rồi lại quẳng xó
một năm ít được nhận nhiều câu chuyện và cảm ơn từ mọi người nhất, thiếu connection nhất
một năm có bao nhiêu thứ nói ra nhưng không finish: dự án video JuicePeople bỏ dở, workshop dự định tổ chức nhưng không, sản phẩm cuối năm định triển khai nhưng dẹp…
một năm không hoàn thành mục tiêu Chứng chỉ chuyên gia trị liệu tự nhiên với nước ép
một năm chẳng có lấy một giải chạy nào tham gia và tổng cả năm hình như chạy dưới 30km.
một năm mà bản thân True Juice cũng có nhiều bài học và thất bại, nhiều kế hoạch và con số không đạt kì vọng…

– Năm 2019, lần đầu tiên ở tuổi 33 đánh dấu mức TỆ nhất cho sức khỏe:
Mở màn ngay đầu tháng 1 năm ngoái là một trận ốm dài hơn 1 tuần, người bần thần như chưa bao giờ khỏe mạnh (mà lúc trước tưởng mình khỏe lắm cơ). Ngay 31 giao thừa trước Tết là một trận lên mề đay xù khắp người, lần đầu tiên thấy mình bị mề đay nổi hàng tảng chạy lên cả mặt và ngứa từ lỗ tai ngứa ra, gãi xước xát hết người, chỉ muốn chết quách cho đỡ phải chịu cái cảm giác tởm tởm khó chịu kinh dị đó, may mà nửa đêm xin được thuốc của cô bạn làm về da liễu đã cứu rỗi đêm hôm đó. Sau đó là mấy tháng trời mề đay/dị ứng nổi lên định kỳ, dai dẳng mãi đến gần hết năm vẫn có thêm 1 đợt, lúc nhiều lúc ít thôi nhưng nó ko chịu bỏ mình. Rồi thử nghiệm đủ mọi cách để thải độc. Có lần nhịn ăn uống dầu dừa xong tụt huyết áp suýt ngất suýt tèo nằm như một xác chết ở hành lang nhà, người đầm đìa mồ hôi ướt nhẹp ko nói nổi, may có người cứu kịp. Sau đấy vẫn tiếp tục thử nhiều cách kì quái nữa cơ.

Một nửa cuối năm dành cho stress và cái lưng bị co cơ. Ban đầu chỉ co cơ bả vai trái, sau nó lan dọc cột sống, rồi cuối cùng là một số đốt sống bị kéo lệch. Đến bây giờ vẫn đang điều trị cái đốt sống C2 ở cổ bị lệch nhiều và một số đốt bên dưới cũng hơi lệch. Mới hiểu cảm giác của những người hay kêu ‘đau cổ vai gáy’ ‘đau lưng’ là như nào, mới hiểu cảm giác sáng ra lưng ê ẩm và tay cũng tê tê là như nào.

Một năm mà có những lúc tự nhìn vào gương thấy mình không có chút sức sống, sáng ra chỉ đủ sức ngồi dậy dựa tường và thở, tinh thần tụt xuống đít cũng ko nâng lên nổi. Hơi thở nông như một người già.

Dĩ nhiên những lúc trông tởm nhất thì chỉ bản thân tự biết chứ ngu gì show ra, nên FB cả năm chỉ viết loăng quoăng mấy cái nhạt nhẽo thôi, chả buồn chia sẻ gì. Có chăng là một số sự kiện quan trọng hay lên báo chí gì đó mới khoe hehe.

Một năm ít uống juice nhất, ít tập yoga nhất, dậy muộn thường xuyên nhất, ít bận tâm mình ăn gì nhất, và cũng chẳng làm một món gì hay nấu gì cho mình nhất, ít gặp gỡ bạn bè nhất…

Nhưng sao nhỉ?
Cái kì cục nhưng ý nghĩa với mình nhất,khi nhìn nhận lại một năm đã qua, lại chính là việc: chính những THẤT BẠI và NỖI ĐAU lại là thứ mình trân trọng thực sự.

Ngay sau những trận ốm tồi tệ, ngay sau cái lần xém ngất bê bết ở góc nhà đó, mình lại bất ngờ nhận thấy mình khá hơn, có tinh thần hơn, có năng lượng hơn, và nhận biết mọi thứ xung quanh rõ hơn.

Ngay khi những tháng stress nhất, cái lưng đau nhất, lần đầu tiên mình cảm nhận cái lưng – một phần của cơ thể mình – rõ đến thế. Để cảm nhận từng bó cơ nó đang bị co rút và đau như thế nào khi nó gửi tín hiệu mỗi khi căng thẳng và suy nghĩ. Để thấy hơi thở của mình không chỉ ở phía trước ngực và bụng, mà còn cảm nhận được cả phần sau lưng nở ra thu vào với mỗi nhịp thở, đều đặn mỗi giây, cũng như hiểu khi cô giáo hướng dẫn rằng chúng ta là một sinh vật sống trong không gian 3 chiều chứ không phải 2, hãy cảm nhận mình trong không gian xung quanh đó.

Ngay những khi thấy yếu nhất, mình tìm được cảm giác ‘thương’ cho chính bản thân mình nhiều thế. Thương, trong cảm giác ‘thân thương’ chứ không phải thương hại. Tình thương thật sự tự dành cho bản thân mình, giống như mình sẽ nâng niu và thương một ai đó nếu mình chứng kiến họ đau vậy.

Và sau 1 năm của nhiều sự thất bại tự nhận định, của mơ hồ và chơi vơi, của nhiều thứ dang dở và của nhiều nỗi đau đó, mình lại thấy rõ ràng mục đích và ý nghĩa cuộc sống của mình đến thế!

Thực ra để ngồi kể lại những gạch đầu dòng tóm tắt này là lúc mình cũng đã giải tỏa được khá nhiều và đã trải qua giai đoạn tụt dốc đó rồi. Và mình đang sẵn sàng cho một chương mới của cuộc sống. Tiếp tục với những dự định, mong muốn và những thứ muốn làm cho cuộc đời, với tất cả lòng biết ơn…

Một cuộc đời sẽ có những năm thăng hoa, và sẽ có những năm cảm giác như xuống đáy. Có những lúc nó là một cái mốc đủ to và rõ để mình nhìn và cảm nhận ra nhiều điều. Không cứ phải là thành công mới cho mình bài học. Thực ra những thứ thất bại mới có khả năng thức tỉnh. Với mình thì là vậy (mà đấy là mình chưa trải nghiệm nhiều thất bại hay nỗi đau gì so với bao người khác).

Đừng buồn nếu bạn có một, hoặc nhiều năm, thất bại, hay mọi chuyện không như mong muốn. Đừng buồn nếu như bạn bị Đau. Đừng buồn nếu bạn vẫn đang chơi vơi…Hãy biết ơn những giây phút đó. Nó là cần thiết.

Và hãy nhớ rằng, nguồn sức mạnh trong chính bạn sẽ luôn thắp sáng cho bạn đi tiếp. Chỉ là bạn có muốn hay không thôi.

Chúc bạn kết nối được với nguồn sức mạnh đó khi bạn cần nhất.

Thân thương,
Hà Nội, tháng 1 năm 2020