Browsing Tag:

bảo quản

Common Questions/ Juicing Basics

Nước ép để được bao lâu?

Nước ép mình để qua đêm được ko?
Mình ép xong mang đi làm cả ngày được ko?
Mình ép một lần cho vài ngày được ko?

Để trả lời ngắn gọn cho việc nước ép để được bao lâu thì câu trả lời thỏ thẻ của mình là: không có con số cụ thể!

Lý do vì sao? Vì chất lượng nước ép và thời gian bảo quản của juice phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Như mọi người cũng biết, dĩ nhiên uống juice xong thì tốt nhất là uống luôn và ngay lập tức càng sớm càng tốt – cũng y như việc bạn ăn cơm vừa nấu xong thì nó ngon và tốt hơn là để lâu dần. Ép xong uống liền là lý tưởng nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng sống trong thế giới lý tưởng! Vì vậy việc ép và bảo quản uống trong ngày hoặc sau đó 1,2 ngày là một lựa chọn. Chỉ cần khi chúng ta hiểu các yếu tố ảnh hưởng thời hạn sử dụng của juice để tự cân nhắc và căn chỉnh cho phù hợp điều kiện thời gian và sinh hoạt của mình và gia đình.

Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ về khía cạnh hạn sử dụng của juice và các cách tối ưu thời gian bảo quản juice khi chúng ta cần

VÔ VÀN YẾU TỐ CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG JUICE:

1. Chất lượng nguyên liệu:

Rau củ lúc đưa vào ép có ở dạng tươi nhất không, mới không, vì bản thân rau củ từ trên cây/cành/đất, khi ngắt, hái thu hoạch đến tay chúng ta là bao lâu, đến khi nó được mang về nhà, cho vào tủ lạnh, đến khi lôi ra ép và dùng là bao lâu, thời gian thực vật cách ly với nguồn sống của nó càng lâu thì nó cũng đã giảm dần độ tươi và dinh dưỡng. Nếu bạn sử dụng sản phẩm đã có dấu hiệu nát, cũ, rau héo hoặc rau củ đã cắt sẵn chúng sẽ bắt đầu  oxy hóa và  làm giảm đáng kể thời hạn sử dụng. Nói thế cũng ko phải để quá chặt chẽ căn đo tính toán nhưng là để chúng ta nhận thức được rằng – chất lượng nguyên liệu khi ép sẽ quyết định chất lượng juice chúng ta uống đến 80%, 20% còn lại là thao tác, máy móc vv)

2. Loại nguyên liệu:

Mỗi loại rau, củ, quả sẽ có độ dài bảo quản khác nhau do tính chất của chúng hơi khác nhau. Thông thường các loại juice với rau xanh sẽ dễ xuống màu và vị hơn, nhưng có những loại như gừng hoặc chanh sẽ giúp vị và màu của chúng kéo dài thời gian xuống màu/mùi. Thông thường các loại nguyên liệu có tính acid hơn (mức pH thấp) sẽ lâu hỏng hơn các loại có tính kiềm (mức pH cao). Vì vậy các bạn có thể thêm chanh để giúp juice giữ được lâu hơn.
Các bạn có thể tham khảo mức độ pH của thực phẩm trong link sau: http://www.pickyourown.org/ph_of_foods.htm

3. Chất lượng máy ép:

Máy ép càng tốt, công nghệ càng tốt thì khả năng lấy dinh dưỡng càng cao và làm mất vitamin các chất trong quá trình ép càng ít)

4. Vệ sinh an toàn:

Đó là cách bạn rửa, cọ, thao tác,cắt gọt, thực phẩm chạm vào tay, chạm vào các bề mặt, môi trường mà nguyên liệu đó tiếp xúc, đến độ sạch của máy móc (máy ép của bạn có cáu bẩn ko bạn check kĩ nhé), đến độ sạch của chai lọ đồ đựng … Càng sạch thì càng giảm rủi ro nhiễm khuẩn.

5. Nhiệt độ:

tiêu chí hàng đầu của juice là phải luôn giữ lạnh dưới 2oC (hoặc chí ít dưới 5oC). Nhiệt độ càng cao, thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao, hoặc juice bị di chuyển ra vào chênh lệch nóng lạnh thay đổi nhiệt độ nhiều thì càng làm tuổi thọ giảm.

6. Ánh sáng:

Càng ở chỗ gần ánh nắng mặt trời thì tuổi thọ juice càng thấp theo thời gian.
Và vân vân các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới juice thành phẩm và quá trình bảo quản.

Từ việc hiểu các tác nhân có thể ảnh hưởng tới chất lượng juice và việc bảo quản, mình rút ra

CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH KHI MUỐN BẢO QUẢN JUICE TỐT NHƯ SAU:

1. Luôn dùng nguyên liệu tốt nhất, tươi ngon nhất

Nếu dùng nguyên liệu vét tủ lạnh thì nhớ là càng bớt tươi thì càng không nên ép ra để lâu thêm nữa
2. Luôn giữ lạnh

Giữ lạnh các nguyên liệu rau quả từ lúc ép, ép xong mà không uống luôn thì phải đóng chai kín giữ lạnh luôn (dưới 5oC). Nếu cần di chuyển thì luôn nhớ tìm cách bảo quản lạnh juice khi di chuyển và mang theo mình.
Đây cũng là lý do với True Juice tụi mình cũng luôn nhập rau củ quả chất lượng và rau củ hái mới hàng ngày, ép tươi và đóng lạnh, giữ lạnh toàn bộ quy trình từ lúc ép đến khi vận chuyển cũng trong thùng lạnh chuyên dụng, đến tay người uống là chai juice vẫn lạnh. Các bạn có thể đọc thêm về các dịch vụ và quy trình sản xuất của True Juice tại website riêng: https://truejuice.vn/
Juice nếu được giữ lạnh tốt sẽ giữ được màu sắc, hương vị và có khả năng kéo dài thời hạn sử dụng hơn.

NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG KHI BẢO QUẢN JUICE:

Luôn uống ngay khi có thể. Ép cái là uống liền (tức là không phải lo bảo quản)
Tuy nhiên không phải ai cũng sống trong thế giới lý tưởng! Vì vậy việc ép và bảo quản uống trong ngày hoặc sau đó 1,2 ngày là một lựa chọn. Chỉ cần khi chúng ta hiểu các yếu tố ảnh hưởng thời hạn sử dụng của juice để tự cân nhắc và căn chỉnh cho phù hợp điều kiện thời gian và sinh hoạt của mình và gia đình.

THẾ NÀO LÀ JUICE HẾT HẠN SỬ DỤNG

Thực ra khi xét về khía cạnh juice thế nào là không uống được thì hơi khó có ranh giới. Bởi vì khi đánh giá mức độ uống được của juice ,  mình thấy cần xét đến 2 mức độ : Phẩm chất của juice (những thứ mình không cảm nhận đánh giá được, các yếu tố vi lượng, chất dinh dưỡng v.v) & các yếu tố Cảm Quan (nhìn, mùi, vị, texture…- những cái cảm nhận được sơ bộ).
Khi mình nói đến juice hỏng tức là nói đến việc juice xuống màu và vị ở mức độ mà ngửi mùi đã cảm thấy không uống được, nhớt, vón thay đổi rõ về texture. Còn từ lúc juice mới làm ra đến khi nó hỏng là nó chuyển từ trạng thái tươi nhất đến xuống dần về vị (bớt ngon), về màu (sắc độ), về mùi (bớt dậy mùi thơm rõ ràng của các lớp nguyên liệu), còn về khía cạnh các chất dinh dưỡng trong đó thì mỗi chất sẽ có tỉ lệ giảm dần theo thời gian khác nhau, cái này mình không có chuyên môn để đi sâu vì chỉ có máy mới đo được nhưng không phải chất nào khoa học cũng gọi tên và tách bạch để đo lường nắm bắt được.

Có một thực tế mình đã thử nghiệm: juice mình ép tươi và đóng chai giữ ngăn lạnh luôn và liên tục đến 5 ngày thì quan sát juice hơi xuống màu và vị, cảm nhận được nó bớt tươi và kém dinh dưỡng đi (cảm nhận bằng cảm quan nhé) – nhưng vẫn uống được – vì bụng không sao. Và có cô bạn mình nước ép để quên trong tủ lạnh 1 tuần sau chồng không biết vẫn uống – cũng không thấy đi ngoài hay vấn đề gì 🙂

Thực tế là FDA Hoa Kỳ đưa ra quy tắc các loại juice untreated (tươi sống không qua xử lý) có thể giữ lạnh trong 7 ngày. Các hãng nước ép lạnh tại Mỹ và Châu Âu thông thường để hạn sử dụng cho juice của họ (ép lạnh và raw, không tính juice đã qua xử lý) từ 3-5 ngày, một số nơi để 7 ngày tối đa. Nhưng thông thường sẽ là – thưởng thức tốt nhất trong vòng 3 ngày (best enjoyed by). 3 ngày là mức phổ thông để giữ juice vẫn còn giữ vị/màu sắc/chất lượng tốt, tuy nhiên đến 7 ngày vẫn trong ngưỡng an toàn.

Đối với độ pH, FDA đã chỉ ra mức độ các vi khuẩn mầm bệnh (pathogen) có thể bị tiêu diệt là <= 3,5 pH (có tính axit) hoặc >=11,5pH (có tính kiềm). Nhưng thông thường các loại juice đều nằm trong khu vực nguy hiểm ở giữa là 3,6 – 11,4 pH. Nên nếu có mất công dùng giấy quỳ để đo độ pH của juice cũng chỉ để chơi chơi cho biết chứ không thay đổi được gì, mà thực chất với juice chúng ta nên dùng trực quan để đánh giá trước tiên bởi vì việc làm sao quyết định được juice đó đã hỏng thật sự (kiểu ko thể uống sẽ đau bụng) hay là có dấu hiệu không nên uống (vì có thể nhiễm khuẩn hay thay đổi cấu tạo dinh dưỡng) mà phải đem đi xét nghiệm thì căng quá 😀

OK, VẬY TÓM LẠI THỜI HẠN SỬ DỤNG CỦA JUICE LÀ BAO LÂU?

Thực hiện theo tất cả các nguyên tắc Huyền đã liệt kê trên, các bạn thông thường có thể làm juice và bảo quản trong vòng 3-5 ngày (điều kiện dưới 5oC và với máy ép chậm, nếu máy ép ly tâm thì theo mình chỉ nên trong vòng 8h).

Tuy nhiên thời gian bảo quản này có thể thấp đến 0 ngày hoặc thậm chí 30 phút, nếu bất kỳ nguyên tắc nào ở trên không được đáp ứng hay có các yếu tố khác làm juice ‘xấu’ đi.

Và dĩ nhiên luôn ưu tiên uống sớm nhất có thể khi vừa ép xong và hạn chế tối đa juice ở nhiệt độ thường.

Ngoài ra có một lưu ý: sau khi juice giữ lạnh và bảo quản uống sau thì các bạn chú ý khi uống nên đợi juice nguội bớt – không nên uống juice khi lạnh quá. Có thể ngâm cả chai juice trong nước nguội thì 5-10p là juice bớt lạnh rồi, hoặc đợi ở nhiệt độ thường khoảng 20p.
Hi vọng các thắc mắc của mọi người về vấn đề bảo quản phần nào đã được giải tỏa.  Bài viết về bảo quản juice mình cũng từng chia sẻ trên sách Chào Juice và bài Cách bảo quản juice tốt nhất.

Chúc mọi người enjoy juicing nhé!

Happy Juicing/ Juicing Basics

Cách bảo quản nước ép tốt nhất – Storing your juice

Bạn có đang bảo quản nước ép đúng cách?

Bạn đã bỏ công, bỏ thời gian, bỏ cả tiền bạc (hay cả đống tiền ý chứ, các bạn dùng đồ hữu cơ chắc hiểu ý mình), để có được một cốc juice xinh đẹp chứa đầy dinh dưỡng. Tin mình đi: bạn phải uống ngay khi có thể. Uống nước ép ngay khi vừa ép xong, nguyên chất, tươi roi rói, chính là cách tốt nhất để thưởng thức nước ép đúng điệu.

Lần nào muốn uống nước ép bạn cũng sẽ theo đúng quy trình đó ư– đấy là trong thế giới lý tưởng. Chứ với cuộc sống hiện đại danh sách việc phải làm cứ dài ngoằng mà bạn chẳng có thời gian cho mấy thứ ‘lỉnh kỉnh’ này (chỉ có thời gian ngồi lướt facebook là cùng ý), thì việc làm nước ép một lần mà dùng được một ngày (thậm chí hai) là tốt nhất ý nhỉ. Dĩ nhiên muốn tiết kiệm thời gian thì việc gì cũng cần chuẩn bị. Có kế hoạch thì mọi việc sẽ suôn sẻ thuận lợi hơn nhiều chứ.

Và khi đã ép số lượng nhiều rồi, ngoài việc uống luôn 1 phần nước ép thì số còn lại cần được bảo quản tốt nhất có thể. Bảo quản nước ép đúng cách sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho những người bận rộn, như chúng ta, mà vẫn được hưởng lợi từ juice. Bởi vì với nhiều người, nếu không làm trước và chuẩn bị trước như vậy thì chắc chẳng bao giờ họ uống nước ép mất, nói chi đến uống thường xuyên.

Vậy các lưu ý để bảo quản nước ép tốt nhất-giảm thiểu tối đa quá trình giảm dinh dưỡng và chất lượng nước ép là gì?

  • Hãy bảo quản ngay khi vừa ép xong.
  • Trữ nước ép trong đồ chứa bằng thủy tinh có nắp chặt kín hơi, ví dụ như các chai thủy tinh xinh xắn vừa cho một khẩu phần juice bạn hay uống (như mình dùng chai thủy tinh 300ml có nắp xoắn gioăng cao su).
  • Khi đổ nước ép vào đồ đựng, hãy đổ phần nước ép đến kín miệng chai – giảm thiểu tối đa phần không khí giữa nước và nắp (giảm tiếp xúc với oxy gây oxy hóa), càng không có không khí ở giữa khoảng cách đó càng tốt.
  • Một chú ý nhỏ nữa là có thể thêm một chút chanh khi ép (giống như bạn hay thấy ở nhiều công thức nước ép có chứa ½ – 1 quả chanh): vừa để tăng hương vị, vừa để giúp giảm thiểu mất dinh dưỡng trong quá trình bảo quản nhờ lượng vitamin C, citric acid và các chất chống oxy hóa (cũng giống như khi ta vắt chanh vào quả táo sẽ thấy táo lâu thâm hơn).
  • Nước ép bảo quản tốt nhất ở nơi tránh ánh sáng. Bởi nước ép sẽ bị oxy hóa khi tiếp xúc với nhiệt độ và ánh sáng. Bạn có thể đựng nước ép trong các chai thermo giữ nhiệt, tuy rằng trông chúng không ‘quyến rũ’ như khi đựng trong chai thủy tinh vì bạn nhìn thấy được hết các sắc màu của nó. Nếu cần di chuyển và mang các chai nước ép theo mình từ 1h trở lên, hãy sử dụng các thùng đá du lịch.
  • Nhìn chung nước ép nếu được bảo quản như trên có thể trữ được 24h (với máy ly tâm) và 48h (với máy ép chậm) trong ngăn mát tủ lạnh (<5oC), thậm chí có thể để được tối đa đến 72h.

Tuy nhiên càng để lâu thì đương nhiên phần nước ép sẽ càng bị mất dinh dưỡng. Tốt nhất là chúng ta ép vào buổi sáng và uống trong ngày.

Nếu thực sự cần bảo quản lâu hơn, các bạn nên đông lạnh juice. Nếu đông lạnh thì không nên đổ nước ép kín nắp mà cần để lại chút không khí cho nước ép giãn nở (khoảng 5-10cm trên cùng). Khi nào cần uống thì bỏ lên ngăn mát hoặc ngâm chai juice trong nước thường để rã đông (tuyệt đối không rã đông lâu khi để ngoài nhiệt độ thường hay dùng lò vi sóng) và uống ngay khi đã rã đông. Nguyên tắc rã đông này áp dụng tương tự cho các thực phẩm tươi khác. Tuy nhiên làm đông juice thì tốt nhất nên dùng vật liệu khác không phải thủy tinh vì nó có rủi ro bị nứt vỡ rất cao.

Hãy luôn nhớ, nước ép bị oxy hóa nhanh hơn các loại rau củ quả khi chúng ở dạng nguyên quả, vì khi đã ép, phần thành tế bào của rau quả đã bị phá vỡ nên các chất dinh dưỡng dễ dàng tiếp xúc với không khí, nhiệt độ và ánh sáng, và càng để lâu các yếu tố này càng làm giảm chất lượng dinh dưỡng của nước ép.

Thời gian lưu trữ trên đây chỉ là tương đối. Quan trọng là chúng ta phải quan sát khi sử dụng. Nếu thấy nước ép có biến đổi về mùi, vị và màu sắc nhiều, chứng tỏ nước ép đã bị oxy hóa cao, sẽ có nguy cơ vi khuẩn không có lợi đã sinh sôi nhiều và có thể gây đau bụng. Hãy sử dụng trực quan của mình.

Các bạn nhớ nhé: luôn cố gắng uống nước ép tươi nhất khi có thể, ngay khi vừa ép xong! Và nếu không uống ngay được, hãy bảo quản nước ép tốt nhất có thể nhé!