Browsing Category

Uncategorized

Uncategorized

CHĂM SÓC DA KHÔNG HÓA CHẤT – NATURAL SKINCARE

Chăm sóc da là chăm sóc sức khỏe.

Phụ nữ thì chưa có ai không hứng thú với chăm sóc da bao giờ, đúng không nhỉ.

Da đẹp = da khỏe = sức khỏe tốt = healthy = vui vẻ hạnh phúc

Thực ra tớ chẳng chăm chỉ skin care đâu. Cực kỳ lười ấy. Ngày xưa thi thoảng hú lên thì hùng hục chăm chăm đầy đủ các bước từ tẩy trang, rửa sạch, dưỡng với cả đắp mặt nạ, nói chung đủ cả.

Nhưng đã bẩu càng già lại càng lười mà. Giờ thì càng ngày càng thấy rõ DA THỂ HIỆN SỨC KHỎE: Chăm sóc da = Chăm sóc sức khỏe => Phải khỏe thì da mới đẹp (dễ hiểu phết)

Tức là nếu chăm da mà chỉ chăm chăm những thứ bôi ở ngoài, thì chỉ đang giải quyết 20% bề nổi.

Da đẹp thì 80% ở BÊN TRONG mà ra. Bên trong thì bao gồm, ngoài gen, là toàn bộ tình trạng sức khỏe nội tại.

Mà sức khỏe thì cấu thành từ chủ yếu 3 yếu tố: ăn, uống, ngủ nghỉ vận động và tinh thần. Người ta khi bị vấn đề về da thì lại hay tìm giải pháp cho cái bề mặt, mà lại ko đi từ gốc rễ sức khỏe bên trong.

Mấy cái này thì rộng quá chẳng nói hết được không thì dã tay mòn mắt (mà cả cái blog juicylife.vn với đủ các chia sẻ về juice mới đang nhắm đến khía cạnh ăn uống-dinh dưỡng kia thôi), túm lại là nếu đã ăn uống đúng, ngủ nghỉ đúng, vận động đúng, tinh thần thoải mái không stress, thì kiểu gì da dẻ cũng tươi sáng ngời ngời. Trust me!

Và hôm nay tớ lại chỉ chia sẻ về cái 20% bề nổi của tớ – tức là Toàn bộ cái sự Chăm sóc Da của tớ về mặt bên ngoài.

KINH NGHIỆM SKINCARE KHÔNG HÓA CHẤT

Thích đơn giản sẽ là đơn giản. Thích cầu kỳ sẽ là phức tạp công phu.
Tùy tính cách và điều kiện mà ta chơi.

Tớ thì là đứa lười. Như đã nói. Nên kinh nghiệm Skincare của tớ là dành cho Người Lười và Không Cầu Kỳ nhé (vì hầu hết thời gian tớ ko care về chăm sóc da bên ngoài, mà care về sinh hoạt, ăn uống và cảm xúc).

Tình trạng da: bình thường. Mùa đông thì thiên khô. Mùa hè có thể hỗn hợp, vùng chữ T có dầu nhưng ko care lắm vẫn thấy đẹp lắm rồi hahaa. À cũng có tuổi nên có mầm tàn nhang quanh má thì phải, cũng chả sao, càng duyên. Mà đã có tàn nhang thì có làm giời làm bể cũng không hết nên kệ má nó.

Các bước chăm sóc da chính tớ sẽ liệt kê dưới đây, các sản phẩm đang dùng tớ đánh dấu như trong hình.

1. TẨY TRANG

Oil cleansing là phương pháp làm sạch bằng dầu. Nghe thì các bạn da dầu sẽ thấy ghê ghê, nhưng đảm bảo là oil cleansing rất thích. Đơn giản là dùng một loại dầu (quanh nhà dễ tìm thì có dầu oliu, dầu dừa, dầu mè), bôi massage mặt, rồi dùng khăn bông vò nước nóng, vắt gần khô hết, úp lên mặt kiểu như steam mặt ý, rồi lau chùi.

Ưu điểm: sạch, da mịn, ẩm
Nhược điểm: hơi mất công chút, xong phải thay khăn thường xuyên hơn vì nó phụ thuộc vào cái khăn
Nhưng mà tần suất tớ oil cleansing thì ko nhiều, chắc độ 2 lần 1 tuần, không thì cả tuần chẳng tẩy trang (vì đơn giản bây giờ kem chống nắng cũng lười rồi).
Hiện tớ đang dùng số [1] là dầu oliu để tẩy trang

2. RỬA MẶT

Rửa mặt thì ngày nào cũng phải rửa vào lúc tắm cuối ngày. Sáng thì rửa mặt bằng khăn nóng không thôi theo bài của Diện Chẩn (cực thích, đơn giản, hiệu quả, chắc hôm khác sẽ làm bài chi tiết).

Hàng tối thì mình rửa BỘT RỬA MẶT HANDMADE – lành tính, ăn được, không kích ứng, không có gì khó hiểu bên trong, rửa sạch, mềm da, thơm, dễ làm.
[số 3] – đây là loại SRM tớ tự làm, mà ai cũng làm được. Bột rửa mặt lành nhất và thích nhất có thể rồi ấy. Nhược điểm là phải luôn giữ nó khô ráo tránh nước dính vào là dễ mốc (đồ ăn mà)

Hỗn hợp bột từ các loại ngũ cốc, đậu và các loại nglieu dạng bột khác dùng được CHO MỌI LOẠI DA, và đủ nhẹ nhàng để DÙNG HÀNG NGÀY. Nó có các hạt vừa mịn nhỏ để scrub nhẹ, và cung cấp độ ẩm nhờ các thành phần mình cho vào.

CÔNG THỨC BỘT RỬA MẶT LÀNH TÍNH CHO MỌI LOẠI DA:

-5 thìa tbsp bột yến mạch – làm sạch và mềm
-1 thìa tbsp. bột matcha – làm sạch và chống lão hóa, mùi thơm dễ chịu
-1 thìa tbsp. sữa bột (sữa bò dạng bột hoặc sữa dê dạng bột ý) – làm ẩm, mềm

Yến mạch nhà hay có sẵn, cho vào cối xay khô, quay 5s là mịn, đổ thêm ít bột matcha, rồi ít sữa bột. XONG. Đóng lọ. Mỗi lần dùng thì đổ hỗn hợp bột này ra tay, thêm ít nước vào ngoáy đều rồi bôi lên mặt matxa kì cọ. Thích thì thêm ít mật ong cùng để trộn. Tỉ lệ thì các bạn cứ tự dùng sẽ có thể điều chỉnh theo điều kiện da, ví dụ da khô thì cho nhiều sữa bột, da dầu thì tăng matcha. Ngoài ra có thêm ti tỉ các nglieu khác có thể cho vào, tùy nhu cầu.

Bột này để tắm cũng thích lắm. Mướt, mềm, sạch, thơm. Mỗi tội mỗi lần lấy ra nó lích kích hơn bóp từ lọ sữa tắm, và nó rác nhiều cho lỗ thoát sàn. Nên mình vẫn có xà bông tự nhiên.
Từ hỗn hợp bột rửa mặt handmade này, tùy loại da và nguyên liệu có sẵn mà các bạn tự chế nhiều loại thay đổi được, miễn là nó dạng Bột khô.

Ví dụ chọn để thêm các thành phần như:
Cám gạo. Bột đất sét (nghe cũng fancy phết, có thể thử loại bùn của Nha Trang mình). Bột than hoạt tính. Bột nghệ. Các loại bột từ rau (Bột chùm ngây, rau má…). Bột cam thảo. Cà phê bột. Các loại bột từ cánh hoa (bột cánh hoa hồng, oải hương…)…. cứ tự tưởng tượng có bao nhiêu thứ để nghịch, vì thực phẩm nào chẳng có lợi ích của nó, vitamins, khoáng chất, antioxidants….

Nếu lười ko tự làm bột rửa mặt này, thì mua sẵn các loại tương tự. Sản phẩm ưu thích mà mua được kiểu tiện dụng sẵn có mình recommend: [số 2] Bột rửa mặt Greeno (rất thích trong các loại sp rửa mặt thì tớ thích cái này nhất, giờ ko dùng các loại SRM bọt biếc đâu) – loại này nếu siêng cũng tự tay làm được, ăn được, gồm có các loại bột đậu, tinh dầu bưởi, và mật ong.

3. TONER:

Thực ra bước này thích thì làm vì nó phê phê mát mát. Chứ cũng ko essential. Mình recommend nước hoa hồng Karose [số 4], nó thơm thơm mùi hoa hồng, khá nhẹ nhàng, thấm nhanh, không có mùi cồn tí nào. Rất thích hợp khi nào da đang khô quá và cần chút cấp ẩm trước khi bôi dầu để khóa ẩm lại. Bôi xong toner thì đến bôi oil luôn.

4. DƯỠNG ẨM

Mình dùng dầu để dưỡng ẩm chắc cũng 2-3 năm gì đó. Có vô số các loại dầu ép lạnh dùng trong bếp có thể dùng để dưỡng ẩm da mặt được: dầu mè, dầu hạt nho… Mình thì thích dùng dầu rosehip, argan, grapeseed, dầu hạt bơ, và dầu mè cho da mặt. Còn cho body thì dùng những loại rẻ tiền hơn như dầu oliu, dầu dừa (nhưng mà dầu dừa dễ ám mùi chăn ga lắm), dầu mè cũng hợp lý và nhẹ dễ thấm. Mà dầu mè ép lạnh nhé ko phải cái loại dầu mè thơm lừng bé tí hay bán trong siêu thị để pha nước chấm đâu.

Ngoài ra nhiều hãng mỹ phẩm thiên nhiên cũng tự blend các loại oil sẵn, các bạn có thể chọn các loại oil đó nếu check thành phần thấy các loại oil bên trong đó nó phù hợp da mình.
Nguyên tắc quan trọng nhất khi dùng dầu để dưỡng là: thay đổi nhiều loại, hết loại này thì dùng loại khác. Đừng bao giờ bám lấy 1 loại vì nó chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định, sau đó phải đổi (vì da có cơ chế như kiểu nhờn thuốc ý , quen rồi là nó ko còn đẹp đẽ như ban đầu). Nguyên tắc thứ 2 là phải xoa dầu giữa 2 lòng bàn tay cho thật ấm rồi mới bôi lên mặt để thẩm thấu tốt hơn.

Hiện mình đang dùng thay đổi giữa 3 cái lọ oil trong ảnh [số 5]. Mà chủ yếu là cái argan oil.

5. TẨY DA CHẾT

Vì hàng ngày mình dùng bột rửa mặt từ yến mạch kia nó cũng có độ tẩy da chết rất nhẹ rồi. Nên cũng khá lười tẩy da chết sâu. Nếu chăm thì mình sẽ tự chế, cho đường, mật ong, dầu oliu ngoáy lên dạng paste rồi xoa đều TDC thôi.

6. CHỐNG NẮNG

Trước mình dùng đều đặn lắm. Đọc các beauty blog rồi các lời khuyên về bôi kem chống nắng hàng ngày kể cả khi ở trong phòng, v.v… Nhưng mà giờ lại thấy khác. Chẳng cần bôi cũng ko sao. Trừ mùa hè nắng chói chang thì bịt cái mặt lại tí, chứ nếu đi dưới nửa tiếng ngoài đường tớ cũng cứ phơi mặt hứng nắng thường xuyên.
Trước thì cũng dùng qua nhiều loại Kem chống nắng lắm. Giờ thì mình đang dùng cái Herbal Cup kia [số 6] – ko bết dính, dạng xịt, dễ bôi, nhanh thấm, nhưng bôi dầy quá thì sẽ dễ bị két trên mặt.

7. MẶT NẠ

Từ hỗn hợp bột rửa mặt tớ tự làm như bên trên, có thể chế thành mặt nạ thi thoảng đắp. Lấy 1 thìa bột đó, thêm một hai giọt nước hoa hồng karose kia, hoặc mật ong, sữa chua, miễn là tạo thành một dạng sệt để bôi lên mặt, để đó 15p rồi rửa là xooong.

Thi thoảng tiện đang làm món gì như sữa chua hay có quả bơ, hay ngắt miếng nha đam, hay bã dưa chuột ép thừa thì mình cũng tranh thủ trét lên mặt chơi làm mặt nạ luôn.
Đấy. Toàn bộ mấy thứ chăm sóc da của tớ chỉ có bấy nhiêu trong ảnh thôi. Đấy là đầy đủ nhất thì tớ làm vậy. Còn không thì cắt bớt hết.

Thực sự thì những thứ tốt đẹp nhất (ko phải chỉ cho da dẻ nhé), đều có được từ những thứ đơn giản nhất. Chỉ có ngành công nghiệp làm đẹp và hóa mỹ phẩm làm cho nó phức tạp đến vậy.
Người ta khiến các phụ nữ đều không thể tự tin được nếu không sử dụng sản phẩm này hay nọ của họ. Huge industry!

Nói thế thôi. Giờ nhường các bạn chia sẻ kinh nghiệm phía dưới comment nhé!

Nên nhớ, chẳng có gì là hoàn hảo. Và da đẹp hay không đến từ sức khỏe từ trong ra ngoài. Đừng chỉ chăm chú vào bề nổi nhé!

Thân,

Uncategorized

KINH NGHIỆM CHỌN NƠI TẬP YOGA

CHỌN NƠI TẬP YOGA NÀO CHO BẠN?

Thực ra mình không phải là người nhiều kinh nghiệm gì về việc chọn trung tâm nào. Mình chưa trải nghiệm nhiều nơi tập yoga để đưa ra kinh nghiệm gì đâu các bạn ạ. Lại còn viết dài lê thê đố đọc hết.

Nhớ lại cái ngày đầu tiên mình thực sự mơ hồ cảm nhận được yoga là gì, hoàn toàn beginner, cho đến bây giờ cũng được gần 2 năm, dĩ nhiên ko phải là nhiều nhưng không ai đo chất lượng một mối quan hệ bằng thời gian (nhỉ? ^^).

Từ việc tự tập, tự theo video trên youtube, đến việc chọn một trung tâm. Đến chọn giáo viên nào, chọn Style Yoga nào cho mình… Những người mới tập có thể sẽ thấy hơi rối với nhiều thông tin, đb là khi yoga đang dần thành trào lưu như aerobics hay bất kỳ môn thể dục phổ thông nào.

Giá như trong lúc phân vân đó có ai chỉ luôn cho mình đến đâu, tập gì, lúc nào, mình chỉ việc nghe theo, thì tốt biết mấy nhỉ. Nhưng cái thú vị của một mối quan hệ là gì?

Chính là cái giai đoạn ‘tìm hiểu nhau’ ấy. Mình có thể hoàn toàn không biết người đó là ai, anh ta theo trường phái gì, nói năng ra sao, cử động thế nào, nhà anh ta có phù hợp với mình không, tính cách có match không…. Nhưng cái giai đoạn ‘ngộ’ ra nhiều thứ khi thực sự tiếp xúc mới là quan trọng. Tức là gì, CỨ TẬP ĐI. Cứ thử đi. Cứ chọn 1 cách, 1 địa điểm, 1 khung giờ, và commit tập đúng 1 tháng liền Hàng Ngày đi.

Nói vậy chứ mình vẫn sẽ chia sẻ một vài yếu tố để các bạn cân nhắc khi đến được quyết định cam kết đó nhé. Áp dụng cho những ai mới làm quen với yoga và cảm thấy có phần lúng túng.
Khi chọn 1 trung tâm yoga, bạn cần xem xét các yếu tố nào quan trọng nhất, với mình thì có các yếu tố sau:

1. ĐỊA ĐIỂM và GIÁ TIỀN

Trung tâm nào gần nhà hoặc cơ quan hoặc trên đường di chuyển của bạn hàng ngày một cách tiện nhất, chính là trung tâm đầu tiên bạn cần cân nhắc (trước khi bạn là con nghiện yoga có thể lê từ đầu này đến đầu kia Hà nội chỉ để tập một buổi mà bạn khoái).
Việc chọn cái gì không quan trọng bằng việc bạn có THỰC SỰ CÓ MẶT để tập hay không. Vì vậy địa điểm thuận tiện với chính bạn là yếu tố rất quan trọng.

Kế đến là giá tiền – dĩ nhiên rùi. Các loại hình và trung tâm yoga hiện nay ở HN cũng khá đa dạng rùi. Từ những nơi yoga chỉ là một bộ môn kèm theo cơ số thứ khác, pha tạp từ gym, group X, dancing đến yoga. Đến những trung tâm chỉ dạy yoga mà thôi. Từ những nơi bình dân vài trăn ngàn 1 tháng đến hàng triệu. Trung bình mình thấy chi phí để tập yoga sẽ dao động trung bình 500k-1 triệu 1 tháng.
2 yếu tố trên mà không chọn cho phù hợp với bạn thì sẽ rất khó để bạn hình thành thói quen đi tập nhé.

2. CÁC LỚP VÀ KHUNG GIỜ

Ngoài việc nhìn vào cơ sở vật chất của một trung tâm, bạn cần nhìn vào Lịch các lớp yoga mà trung tâm đó có. Thường thì cứ nhìn vào lịch tuần là ra nơi đó có bao nhiêu khung giờ và bao nhiêu lớp yoga mỗi ngày, giáo viên là ai, style gì. Có những nơi chỉ 1, 2 lớp một ngày, có những nơi mười mấy lớp. Nhiều khung giờ = nhiều lựa chọn = thuận tiện để sắp xếp lịch, đặc biệt cho các mẹ bận từ việc cơ quan đến chạy về nhà thổi cơm để làm sao nhét đc 1 tiếng đi tập.

Nhiều loại hình yoga cũng có lợi để các bạn trải nghiệm nhiều phong cách yoga khác nhau vì mỗi nhánh của yoga lại có một lợi ích và cảm nhận khác nhau, từ đó bạn mới chọn đc mình thích style nào.

Nếu giờ của bạn đặc biệt và luôn thay đổi + dư giả kinh tế, các bạn có thể chọn phương án thuê giáo viên PT dạy lớp cá nhân hoặc nhóm riêng.

3. KHÔNG KHÍ VÀ KHÔNG GIAN

Mình cho tiêu chí này trước cả cơ sở vật chất vì cá nhân mình nhận thấy, một lớp tập yoga tốt không cần cơ sở vật chất trang hoàng phức tạp. Cơ bản là 1 căn phòng thoáng đãng, có gương và có thảm, vậy thôi. Còn đâu tùy nhu cầu bạn có thể xét về việc có tủ đồ, nhà tắm rộng rãi sạch sẽ có nước nóng v.v.

Và tiêu chí này hơi chung chung và khó miêu tả nhưng đại để là cảm nhận của bạn khi tập có mặt tại trung tâm đó, hoặc khi tập thử. À dĩ nhiên trước khi mua member của bất kỳ nơi nào thì các bạn nên tập thử nhé, hầu như trung tâm nào cũng có các gói tập thử một hoặc vài ngày đó.

Cái này mình thấy cũng quan trọng. Có thể là âm thanh ở đó (nó có ồn không, có bị lẫn tiếng nhạc ồn ào của phòng kế bên, đb phổ biến ở các trung tâm lẫn cả gym và yoga mà cách âm ko tốt, và tiếng ồn đó có khiến bạn khó chịu ko), có thể là ánh sáng (nó có bị tù mù, thiếu ánh sáng mặt trời, bí bức, ít cửa sổ…), có thể là nhiệt độ (điều hòa lạnh quá không?, tập yoga rất ko nên bật điều hòa lạnh, những trung tâm hiểu thì có quy định riêng về sử dụng quạt và điều hòa, còn không sẽ mạnh người nào người ấy bật, cũng dễ tranh cãi cơ ấy), có thể là cảm giác sạch sẽ, an tâm…
Có thể là bản thân cộng đồng những người tập khác ở đó, văn hóa tập ở đó. Điều tuyệt vời khi tập yoga dĩ nhiên là cả cộng đồng những người cùng sở thích và tình yêu với yoga. Khi bạn gắn bó với một nơi tập thì những thành viên quanh bạn sẽ là cộng đồng mà bạn kết nối thường xuyên, cho dù bạn là người chỉ đến tập và về không nói chuyện với ai 🙂

4. SPIRITUALITY

Đây là điều tạo nên sự khác biệt hoàn toàn của Yoga với các môn vận động khác. Yoga là cả một trải nghiệm phức tạp không chỉ tập trung ở hoạt động thể chất mà phần nhiều chính là trải nghiệm về tinh thần và tâm hồn. Vì vậy nếu một trung tâm chỉ tập trung dạy yoga phô diễn tư thế mà thiếu các giây phút lắng đọng để thở hoặc thiền, thì mình sẽ thấy thiếu lắm. Bởi các asana (các tư thế) chỉ là 1 trong 8 nhánh của yoga, trong tổng thể hệ thống thực hành bao gồm hơi thở, nhận thức, niềm tin, thiền và hơn thế nữa (mà mình chắc 10 năm nữa cũng chưa khám phá được). Một cấu trúc cơ bản cho các lớp yoga là bao gồm phần mở đầu và kết thúc đều dành cho kết nối người tập với hơi thở của họ, Om chanting và thả lỏng. Nếu thiếu các bước này thì mình sẽ không đánh giá cao. Dĩ nhiên nghe thì phức tạp và có thể xa vời, nhưng chỉ cần nghĩ đơn giản nó là chút hoạt động hướng vào trong cho mỗi người tập để thư giãn hơn cũng được.

5. CÁC GIÁO VIÊN

Nói về việc chọn giáo viên thì vô vàn, nhưng vì bài này là về chọn trung tâm, thế nên các bạn chỉ cần nhìn vào đội ngũ giáo viên của trung tâm đó. Trung tâm đó tập trung giáo viên Việt, hay Ấn độ, hay Western; có tập hợp nhiều giáo viên không hay chỉ 1, 2 người chính; có hay thay đổi giáo viên không hay cố định…Giáo viên ở đó đã dạy yoga lâu chưa, thâm niên thế nào. Bởi vì nói thật trong tình trạng nhiều nơi dạy yoga trào lưu thì không phải giáo viên nào cũng bài bản và có kiến thức chứ đừng nói kinh nghiệm. Dĩ nhiên có thể nhìn vào bằng cấp và chứng chỉ của họ nếu bạn kĩ tính.
Ngoài ra có thể tham khảo các học viên khác của trung tâm đó xem họ có thích giáo viên nào ở đó không, nhận xét ra sao. Nhưng cách thiết thực nhất chính là học thử 🙂 Kiểu gì cũng có giáo viên mà bạn thấy thích. Và bởi vì mỗi giáo viên có một thế mạnh và phong cách, nên mình thấy không nên gắn với 1 giáo viên nào cả mà nên trải nghiệm học hỏi từ nhiều người. Vì vậy trung tâm nào càng có nhiều giáo viên giỏi, giáo viên được nh người thích, thì càng nhiều lựa chọn cho bạn.

Ngoài ra còn rất nhiều những yếu tố nho nhỏ khác nữa tựa chung lại tạo nên một trải nghiệm khi tập yoga tại một trung tâm nào đó. Tuy nhiên các bạn nên nhớ, mỗi người sẽ có cảm nhận và trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, sở thích và nhu cầu khác nhau. Bản thân một giáo viên và một lớp có thể lúc cao hứng lúc không. Bản thân người tập cũng vậy. Vậy nên toàn bộ các tiêu chí mình nêu trên chỉ mang tính vui vui tham khảo, hi vọng có ích cho những bạn mới tập yoga.

Chúc các bạn tìm được nơi tập yoga gắn bó và phù hợp cho mình nhé.

Bây giờ đi lau thảm chiều còn tha đi đây.
P/S là ảnh outdoor chứ chả phải ở trung tâm nào đâu cứ ngồi bốc phét :))

Healthy Food/ Uncategorized

SỰ THẬT VỀ ‘CÁC LOẠI’ NƯỚC ÉP VÀ CÁCH PHÂN BIỆT

Đã bao giờ các bạn đọc thành phần của các chai/hộp nước ép bầy trong siêu thị hay các quầy cửa hàng, kể cả loại trên kệ nhiệt độ thường, hay loại trong quầy giữ lạnh? Các bạn có biết không phải loại nước ép nào cũng như  nhau? Khi người ta nói nước ép toàn là đường, bạn phải hỏi người ta đang nói đến loại nước ép nào.

Cuộc sống ngày nay có quá nhiều lựa chọn tiện lợi về thực phẩm và đồ uống. Với một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, các loại nước ép được bán từ đầu ngõ, vỉa hè, đến khách sạn hạng sang, từ cửa hàng tạp hóa đến siêu thị. Để lựa chọn nước ép nào thật sự đáng để uống, các bạn cần hiểu những gì làm nên sản phẩm đó. Bí mật: có những thứ còn không nên gọi là nước ép, chỉ nên gọi là ‘sản phẩm’ mà thôi J
Nhìn chung các loại nước ép được bày bán sẽ thuộc một trong các loại sau:

1. Từ hỗn hợp cô đặc (Commercial bottled – FROM CONCENTRATE)

Mặc dù trên bao bì ghi “100% tự nhiên” hay 100% từ một loại hoa quả/rau quả ép gì đó, không có nghĩa là nó là nước ép thật, không phải real juice. Nếu một loại nước ép được làm từ cô đặc, có nghĩa là nó được cơ bản làm từ Syrup: hoa quả được nấu với nhiệt để bay hơi nước và cô đọng lại dưới dạng si rô. Lợi thế của việc cô đặc này giúp sản phẩm trữ được lâu hơn, bảo quản dễ hơn, tiết kiệm chi phí hơn vận chuyển và lưu trữ bởi si rô thì đỡ tốn diện tích và dung lượng hơn nước ép nguyên thể nhiều lần.

Từ hỗn hợp cô đặc dạng si rô đó người ta trộn thêm nước trở lại khi sản xuất, chưa kể trộn thêm cơ số các chất khác để ra sản phẩm cuối, như hương liệu, chất tạo ngọt, chất chống oxy hóa và chất ổn định.

Đương nhiên qua hàng loạt quá trình chế biến, thêm và bớt các chất hóa học, hỗn hợp nước thành phẩm mất hết hương vị tự nhiên của hoa quả, đương nhiên là các enzymes, vitamins, khoáng chất hay các chất chống oxy hóa của thực vật nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng sẽ ra đi.

Đấy cũng chính là lý do người ta phải cho ‘hương vị’ nhân tạo của loại hoa quả đó để sản phẩm có vị giống hoa quả tự nhiên.

Minh họa cho quy trình nước ép từ cô đặc

2. “100% từ hoa quả tươi”, không từ hỗn hợp cô đặc (Commercial bottled – NOT FROM CONCENTRATE)

Loại này cũng không có nghĩa là real juice. Kể cả khi bạn nhìn thấy các chai/hộp nước ép mà thành phần không liệt kê các chất ổn định hay hương liệu hay chất bảo quản, bạn cũng đừng nghĩ nó gần với nước ép từ hoa quả tươi thật sự. Vậy làm sao một chai nước ép như vậy để được trong nhiệt độ thường đến vài tháng? Ví dụ một hãng nước ép cam nổi tiếng, không từ cô đặc, quy trình của họ như sau: 

Sau khi cam được ép lấy nước, nước này được chứa trong các thùng chứa khổng lồ, sau đó được tiệt trùng nhanh (flash-pasteurized) và người ta dùng một quy trình ‘khử oxy’ – rút hết toàn bộ oxy ra khỏi thùng chứa, cho phép hỗn hợp chất lỏng bảo quản được đến cả năm trời mà không bị hỏng. Dĩ nhiên, tiệt trùng rồi loại bỏ oxy cũng đi kèm với loại bỏ toàn bộ hương vị tự nhiên của cam (và các vi chất dinh dưỡng nếu có?).

Sau đó để thành phẩm có vị nước cam, người ta sử dụng các gói hương liệu (flavor pack) mua từ các công ty chuyên về nước hoa và mùi vị – tương tự như nước hoa. Các hương liệu này được làm từ dầu và chiết xuất của cam nên không phải liệt kê trên danh mục thành phần. Ngoài ra các tập đoàn lớn sở hữu một quy trình bí mật được xây dựng dựa trên dữ liệu sở thích mùi vị của người tiêu dùng trên thế giới cùng dữ liệu hơn 600 biến thể mùi vị của cam. Chẳng trách hương vị của chúng hấp dẫn J và chai nào cũng có vị y như nhau.

Tóm lại, khi thấy chai nước ép bán ngoài siêu thị mà bạn thấy kể cả thành phần của nó không đề thêm các phụ gia, chất ổn định, chất chống oxy hóa v.v nó không được bảo quản lạnh và để được hàng tháng, bạn có thể hiểu nó đã được tiệt trùng và qua cơ số quy trình chế biến rồi.

3. Nước ép hoa quả trong các hàng, quán (SMALL BUSINESS – FRESHLY EXTRACTED)

Ngoài các loại nước ép đóng chai sản xuất công nghiệp, chúng ta có các lựa chọn nước ép ‘tươi’ được làm tại các cửa hàng quán ăn, các juice bar, khách sạn…khi khách yêu cầu. Ưu điểm của các loại nước ép này là ‘tươi’, thời gian hoa quả được ép tới khi chúng ta sử dụng ngắn. Tuy nhiên, không ai biết chắc chúng có ‘nguyên chất’ hay không, hay chúng có được thêm đường, syro hay đã được pha loãng hay không (vậy là mất yếu tố 100% từ hoa quả tươi vì đã thêm nước hoặc đá mất rồi).

Với các loại nước ép hàng quán này, có 2 cách chế biến chính:

  1. Sử dụng máy ép ly tâm (Centrifugal):
    Nếu đến các quán có phục vụ nước ép mà bạn nghe thấy tiếng kêu rè rè rất to khi người ta cho hoa quả vào máy ép đó là người ta sử dụng máy ép ly tâm. Đây là phương pháp ép phổ biến nhất trong các hàng quán. Tuy nhiên với phương pháp này, hoa quả được mài nhỏ bởi mâm xay tốc độ rất cao và tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ép ly tâm, trong quá trình hoạt động sản sinh ra nhiệt độ cao và khả năng làm mất các enzymes trong hoa quả, gây oxy hóa làm giảm lượng vitamins khoáng chất có thể lấy được từ nguyên liệu, và cho ra chất lượng nước ép không được tối ưu. Thời gian bảo quản của loại nước ép này tốt nhất tối đa 16h.
  2. Sử dụng máy ép chậm/ ép lạnh (Cold-pressed juice):

Đây là phương pháp mới những năm gần đây cho phép ép cả rau và hoa quả mà không sinh ra nhiệt, giữ lại được tối đa vitamins khoáng chất và enzymes có trong rau củ quả và cho chất lượng nước ép tốt nhất, màu đẹp nhất và ít tách nước hơn (dĩ nhiên vẫn có tách nước khi trữ lạnh nhưng đó là hiện tượng bình thường của nước ép tự nhiên không qua xử lý mà chỉ cần lắc lên là màu lại đẹp).

Cold-pressed juice cũng có 2 kiểu: 1 là loại làm thủ công và 2 là loại qua xử lý áp suất cao (High Pressure Processing).
Loại đầu chỉ cho phép nước ép bảo quản trữ lạnh được tối đa 48h.
Loại sau cho phép nước ép trữ lạnh giữ được trên 1 tháng.

Công nghệ xử lý nước ép bằng lực áp suất cao (High Pressure Processing – HPP)

Với ngành cold-pressed juice trên thế giới, một khi các công ty muốn mở rộng sản xuất đại trà số lượng lớn và phân phối được xa, thường sẽ sản xuất theo công nghệ này. Nhưng theo như mình biết thì ở VN chưa có thương hiệu juice nào sử dụng phương pháp này.

Vì vậy, cơ bản chúng ta có thể hiểu: càng sản xuất công nghiệp, nước ép càng để được lâu, càng là loại đã qua nhiều bước can thiệp. Vì vậy cũng đừng thoáng thấy có đề hữu cơ hàng nhập khẩu mà vội yên tâm. Hãy nhìn vào hạn sử dụng. Chỉ có các sản phẩm làm thủ công không phải làm công nghiệp mới ‘có thể’ trữ được ngắn ngày. Cũng giống như tất cả những loại nước bạn có thể làm được tại nhà từ nguyên liệu tươi, có bao giờ bạn bảo quản được chúng trên 1 tuần? Các loại trên trữ trên 1 tháng thì càng nên xem xét trước khi sử dụng.

Nên nhớ: VÒNG ĐỜI CỦA THỰC PHẨM CÀNG DÀI, TUỔI THỌ CỦA BẠN CÀNG NGẮN.

Tóm lại, để hưởng lợi tốt nhất từ nước ép, để giữ được tối đa các dinh dưỡng từ rau củ quả khi ép, cách tốt nhất chính là: HÃY TỰ ÉP RAU CỦ QUẢ TẠI NHÀ. Lý tưởng nhất là uống ngay sau khi ép. Bởi nước ép kể cả bảo quản tốt đến đâu cũng sẽ mất đi một phần giá trị dinh dưỡng dần theo thời gian.

Tuy nhiên ai cũng hiểu để có thời gian, công sức và sắp xếp máy móc, chuẩn bị nguyên liệu và ép rau củ quả tại nhà mỗi ngày là một nỗ lực, là một cố gắng, là một thói quen cần xây dựng nếu chúng ta muốn những gì tốt nhất. Nhưng nếu không có điều kiện lý tưởng đó thì chúng ta cần biết cân nhắc trước các lựa chọn dịch vụ bán sẵn. Mình hi vọng bài viết này giúp các bạn hiểu đúng hơn về các loại nước ép và tự rút ra các tiêu chí để có các lựa chọn phù hợp cho chính mình và gia đình.

Happy juicing everyone!

Uncategorized

TẬP THỞ SÂU 5 PHÚT MỖI NGÀY – TRÀN ĐẦY NĂNG LƯỢNG VÀ THANH LỌC CƠ THỂ

Nếu có một thói quen chỉ mất 5 phút mỗi ngày mà khiến bạn thấy tràn đầy năng lượng, tỉnh táo, minh mẫn, cơ thể được thanh lọc và sảng khoái, bạn có muốn hình thành thói quen đó không?

Chúng ta đang ở những ngày đầu tiên của năm Đinh Dậu, và bắt đầu tháng thứ 2 của năm 2017, vào thời điểm khởi đầu của một năm này mình thường đặt ra 1 thay đổi mình mong muốn và sẽ cố gắng thực hiện thay đổi đó – gọi là resolution cho năm mới hay gì cũng được. Chỉ cần 1 thôi cũng được. Nhưng là thay đổi mình phải thực hiện và quyết thực hiện đến cùng. Và đương nhiên để dễ hoàn thành nhiệm vụ, mình thường chọn một thói quen vô cùng đơn giản để xây dựng.

Năm nay mình chia sẻ thay đổi của mình tới các bạn nhé. Đây cũng là bài thực hành rất cơ bản mình muốn tặng tất cả các bạn. Bởi vì mọi thay đổi lớn đều bắt đầu từ những bước đi rất nhỏ, mặc kệ các bạn có những kế hoạch to tát đến đâu, hãy cùng mình thực hiện thói quen 5p mỗi ngày này ít nhất trong 21 ngày tới nhé. Tại sao lại là 21 ngày? Vì theo một nghiên cứu khoa học nào đó (đọc đâu đó nhưng quên rồi), con người mất 21 ngày để một thói quen được hình thành. Sau đó thói quen sẽ trở thành một phần của cuộc sống và trở nên tự nhiên như chính con người mình, việc thực hiện nó không còn mất công hay nỗ lực nữa.

BÀI TẬP THỞ SÂU LẤY NĂNG LƯỢNG

Có phải nền tảng của sức khỏe chính là hệ thống mạch máu chảy trong cơ thể của chúng ta? Chính dòng máu chảy khắp cơ thể vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng tới mọi tế bào trong cơ thể. Nếu vậy juice đi thẳng tới mạch máu của ta mang theo một lượng cao vitamins khoáng chất và các chất chống oxy hóa, vì vậy mang lại lập tức cảm giác năng lượng chảy trong cơ thể cho người uống.

Tuy nhiên không phải ai cũng tiếp cận và có thời gian để ép rau củ quả mọi lúc mọi nơi.

Các bài tập thở thì khác.

Hơi thở là cách chúng ta cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể, từ đó mang lại năng lượng cho từng tế bào. Và hơi thở tồn tại mọi lúc mọi nơi với ta.

Con người trong hàng ngàn năm đã kiến lập được rất nhiều kĩ thuật để kiểm soát hơi thở, bởi người ta tin rằng, kiểm soát được hơi thở nghĩa là kiểm soát được nguồn năng lượng sống.

Với những người tập yoga, các bài tập thở (được gọi là pranayamas: prana nghĩa là năng lượng của sự sống, ayama nghĩa là mở rộng, phát triển ) đã được phát triển và chau chuốt qua hàng ngàn năm là một phần không tách rời cùng với các chuyển động về cơ thể, được biết đến với những lợi ích to lớn, chìa khóa cho năng lượng và sức sống của người thực hành.

Các bài tập thở và biến thể thì rất nhiều, ở rất nhiều môn phái chứ không chỉ trong yoga. Tuy nhiên thường dân như mình (và nếu các bạn giống mình hehe), bỏ qua rất nhiều các tầng lớp thông tin xung quanh chủ đề này, ở thể cơ bản nhất, thực hành tối thiểu nhất, chuẩn vừa vừa thôi cũng được không cần hoàn hảo, đảm bảo chúng ta sẽ nhận thấy tức thì các lợi ích cho tâm trí và sức khỏe.

BHASTRIKA PRANAYAMA – BÀI TẬP THỞ BHASTRIKA

Mình chọn bài tập thở Bhastrika vì sự đơn giản của nó khi ở mức độ cơ bản cho người mới tập thở. Bhastrika Pranayama là một bài tập thở sâu quan trọng trong yoga, là bài tập thở ‘thần thánh’ giúp tăng cường năng lượng và các Prana-nguồn sống cho cơ thể với danh sách các lợi ích nó đem lại dài hàng trang giấy (bao gồm cả giảm cân tiêu mỡ lành mạnh do nó giúp thúc đẩy metabolism-quá trình chuyển hóa của cơ thể và thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn).

HƯỚNG DẪN BÀI TẬP THỞ BHASTRIKA CƠ BẢN:

  • Để thực hành bài tập thở này bạn nên ngồi trong một tư thế thoải mái. Đứng hay nằm cũng được nhưng ngồi là tốt nhất vì khi đó bạn dễ tập trung hơn.
  • Kéo dài cột sống lên, thẳng lưng, kéo dài cổ và nhẹ nhàng đưa cằm hơi về sau. Lúc này cột sống sẽ thẳng hàng với phía sau đầu.
  • Đặt tay lên đầu gối của bạn. Có thể úp 2 bàn tay ôm lấy đầu gối, hoặc cũng có thể ngửa 2 bàn tay lên, chạm ngón cái vào ngón trỏ tạo thành hình tròn.Thư giãn cơ bụng. Nhắm mắt lại (hoặc mở mắt cũng được)
  • Bây giờ bắt đầu hít thở mạnh qua mũi tạo ra tiếc thở nghe thấy được, hít khí sâu vào bụng, bụng phồng lên, cơ hoành kéo xuống, nở rộng hai bên thành bụng. Hơi thở cần được bơm đầy cả phần dưới của phổi, xuống tới cơ hoành. Sau đó thở ra với lực tương tự, thời gian tương tự như hít vào. Mỗi nhịp thở hít vào khoảng 1s một nhịp và thở ra cũng 1s, dần dần khi tập quen và nâng cao mức độ, bạn sẽ tăng tần suất hơi thở, mỗi nhịp thở nhanh hơn, mạnh hơn. Với bài tập này ta cần đặt chú ý đồng đều tới cả việc hít vào và thở ra. Tất cả hơi thở đều sâu và mạnh mẽ, cố gắng thiết lập một nhịp điệu đều đặn. Không giữ hơi thở trong quá trình tập.

Làm một vòng 10 lần và sau đó hít sâu, giữ hơi thở của bạn trong 1-5 giây và sau đó thở ra hoàn toàn. Như vậy bạn đã hoàn thành 1 vòng tập. Trở lại hơi thở bình thường để nghỉ khoảng 15s. Có thể lặp lại và thực hiện 5 vòng tổng cộng, tùy theo sức. Bài tập này cần được kéo dài ít nhất 2 phút và tối đa 5 phút. Trong những ngày trời nóng, chỉ nên tập 2 phút.

THỜI GIAN PHÙ HỢP ĐỂ TẬP:

Buổi sáng khi ngủ dậy: tỉnh dậy với cơ thể căng tràn sức sống, máu được bơm khắp cơ thể, sẵn sàng năng lượng một ngày mới.

Bất cứ khi nào trong ngày bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, cần tập trung và minh mẫn (đặc biệt cho dân văn phòng khoảng giữa giờ chiều thay vì vớ cốc cà phê hoặc không có juice bên cạnh :).

Rất nên tập trước khi tập thể thao, gym hay vận động mạnh nếu muốn tăng cường năng lượng tức thì.

Không nên tập trước khi đi ngủ nếu không muốn ‘tăng động’ khó vào giấc.

LƯU Ý: vì đây là bài tập lấy năng lượng và có tác động mạnh. Nếu bạn thấy chóng mặt hãy dừng và nghỉ ngơi thở như bình thường, lặp lại với động tác chậm hơn và nhẹ hơn. Các đối tượng không nên thực hiện: phụ nữ có thai, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, những người cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, cảm mạo hay đang mang các bệnh lý về loét dạ dày. Không tập khi no bụng, nên tập sau khi ăn 1-2h.

Dưới đây là một video mô tả khá dễ hiểu từ shape.com. Chúng mình cùng tập theo, 2-5p mỗi ngày thôi nhé.

Chúc các bạn luôn vui, tràn đầy sức sống và hạnh phúc an nhiên!

Uncategorized

10 habits for a juicier 30s – 10 thói quen cho tuổi 30 sống động

Nhân dịp tròn 30 tuổi, cái ngưỡng đầy tự hào và kỳ bí, mình viết note này như một lời nhắc nhở bản thân cho những năm rực rỡ sắc mầu trước mặt. Đến năm 40 tuổi chắc sẽ ngồi review lại xem có còn giữ được đủ 10 thói quen này không và tác dụng (kèm tác dụng phụ) đến đâu 🙂

1. Tập thể dục hàng ngày

Đứng đầu trong danh sách những thói quen cần phải có cho tuổi 30 của mình chính là “Vận động”. Mình có đầy đủ chân tay mồm miệng tim phổi, mình không muốn mãi là người ‘cũng muốn lắm nhưng không có thời gian’ với cái bụng nhẽo và khuôn mặt không có năng lượng. Energy creates energy. Bất cứ khi nào mệt mỏi, chán nản, tụt dốc, chỉ cần đi tập là mọi thứ tan biến. Mình thấy may mắn vì đã biết và nghiện yoga. Không phải tự dưng bộ môn này được ca ngợi và thực hành trên toàn thế giới. Nó có một sức hấp dẫn mà chỉ có người trải nghiệm mới hiểu. Thật tiếc cho những ai không biết đến cảm giác sung sướng hoan hỉ mà yoga hay các môn thể thao mang lại.

Bạn có thể chạy, aerobics, nhẩy nhót, nâng tạ (cũng cực thích), bơi lội, nhảy dây, đi bộ…. cái nào cũng được, miễn là chọn một môn mình thấy thích và gắn với nó.

Huyen_tuoi30

2. Uống nhiều nước – Uống juice mỗi ngày

Đương nhiên phải uống đủ 2l nước mỗi ngày (hoặc hơn nếu thấy khát). Việc uống nước nhiều hay ít cần dựa trên nhu cầu cơ thể và lối sống/ăn uống của từng cá nhân, vì vậy tốt nhất nên lắng nghe phản ứng của cơ thể. Mình sống vì nước, và không thể thiếu các loại nước. Đương nhiên là tiếp tục uống juice đến khi nào không thể nữa. Lại thấy tiếc cho những ai không biết đến sự sung sướng khi cơ thể được ngập trong vô vàn dinh dưỡng ‘sống’ và tươi mát từ juice rau quả nguyên chất.  Vì sao phải uống juice xin mời đọc lại Why juicing.

3. Hạn chế đồ ăn chế biến, đồ ăn công nghiệp

Với thời buổi đất nước ngập trong vấn nạn cái gì cũng bẩn, việc chọn lựa để ăn cái gì, cho cái gì vào cơ thể đòi hỏi đầu tư nhất định về nơ ron thần kinh đấy ạ. Các món chế biến sẵn hay đồ ăn công nghiệp với hàng dài thành phần chủ yếu từ đường, phụ gia và bảo quản nên được loại bỏ ngay từ khâu shopping. Tốt nhất là không mua, không thấy, không dùng. Lựa chọn một chế độ dinh dưỡng thiên về thực vật, rau quả tươi và ngũ cốc.

4. Chăm sóc da

Trước đây mình cũng a tơ mơ khoản chăm sóc da lắm. Chỉ từ khi 24-25 tuổi thoáng thấy tàn nhang và nhiều nốt ruồi hơn là hãi hùng mới quay ra nghiên cứu. Tự hứa sẽ không bao giờ được lơi là kem chống nắng, tẩy trang, dưỡng ẩm mỗi ngày và mỗi tuần tẩy da chết. Ngoài ra, uống juice cũng như yoga mỗi ngày cũng là routine chăm sóc da từ bên trong của mình.

5. Học hoặc đọc một điều gì mới mẻ mỗi ngày

Cuộc sống mà không có gì mới mẻ thì thật muôn phần bớt thú vị. Tự hứa thế này: mỗi ngày phải đọc sách ít nhất 10 phút. Có nhiều nhặn gì đâu nhờ? Ngồi Facebook cả tiếng nhanh như không còn được cơ mà.

6. Xây dựng các mối quan hệ thực sự

Thực sự mình không còn ở giai đoạn muốn quen nhiều người. Năng lượng nên dành cho những người thực sự quan trọng và có ý nghĩa. Mình quan niệm thế này, chúng ta sống hàng ngày bằng nguồn năng lượng từ nội thân, cũng như chịu tác động từ môi trường. Các mối quan hệ hoặc con người mang năng lượng tiêu cực thì mình sẽ hạn chế trong khả năng có thể, nếu không tránh được thì tập trung vào năng lượng trong bản thân.

7. Làm một điều gì đó có ích cho một ai đó mỗi ngày

Rất đơn giản là mình ép một cốc nước cho chồng con uống, chia sẻ và trả lời các tin nhắn hỏi về juice hay chỉ là hỏi han một người bạn. Mình có ý nghĩa cho ai đó tức là mình đang sống.

8. Thiền

Thiền sẽ khai sáng để ta chiêm ngưỡng cả một thế giới bên trong chính chúng ta. Chẳng phải cái gì cao siêu, hãy bắt đầu từ 5 phút mỗi ngày. Lợi ích của thiền ra sao thì đã có hàng ngàn người nói đến. Với mình, thiền là một thói quen thực sự cần được xây dựng mỗi ngày vì hiện tại mình vẫn còn lãng đãng với bộ môn này mà chưa quyết tâm thay đổi.

9. Yêu bản thân và tôn trọng bản thân

Một thay đổi đáng kể 5 năm trở lại đây với mình chính là sự tôn trọng bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng khi bước sang những năm 30 trước mặt, khi tiền bạc, nghề nghiệp, con cái, gia đình và vị trí xã hội vẫn còn quá nhiều cơ hội và khả năng thay đổi (Chúng ta là người tự do mà :). Tình yêu với bản thân cùng với những mối liên kết trong cuộc sống chính là sợi dây giúp chúng ta vững vàng khi gặp khó khăn.

Mình biết có rất nhiều bạn luôn không hài lòng với bản thân, với cơ thể mình, với khuôn mặt mình v.v… Ai cũng có lúc như vậy, đó là một phần của sự mong ước vẹn toàn. Nhưng đừng để những suy nghĩ tiêu cực về bản thân của mình lấn át. Trí óc bạn có thể được ‘đào tạo’ và ‘thực hành’. Nếu bạn nghĩ mình đẹp. Bạn đẹp thật. Nếu bạn nghĩ mình xấu. Bạn hoàn toàn không sai. Hãy thử mỗi ngày mỉm cười khi ngủ dậy (lúc vừa đánh răng rửa mặt xong cái mặt nó còn đang tươi tươi ý), tự xoay xoay xem cái góc nào mặt mình trông đẹp nhất, tự nhẩm cảm ơn cuộc sống sao tôi đẹp thế này! (hơi quá haha), rằng bạn đang cố gắng làm tốt những gì có thể rồi. Và tránh xa mấy người hay hỏi đều hoặc hay làm mình tổn thương đi nhé. May cho mình quá cơ, có một anh chồng cả ngày chỉ khen mình béo, hoặc ‘con heo/con lợn’ của anh… kiểu kiểu thế. Tha hồ cho mình luyện tự tin.

Lẽ ra mình định viết 10 điều cơ. Nhưng dừng lại ở đây. Điều thứ 10 chờ các bạn cùng góp sức điền nốt nhé.

Cho tuổi 31 rạng rỡ!

Cheers!

Huyen's Signature

Uncategorized

Daily Detox – Nước ép thải độc mỗi ngày

Một khi đã uống nước ép nguyên chất thực sự được làm từ chính tay mình, bạn sẽ không bao giờ muốn ngừng lại. Sống khỏe, ăn uống lành mạnh, hay chỉ đơn giản là cảm nhận năng lượng tích cực từ thực vật là niềm vui bản năng khó cưỡng mà chỉ cần lắng nghe thôi, cơ thể bạn sẽ cho bạn thấy rõ rệt chúng thích điều gì, không thích điều gì.

Với những juicers đã quen với việc uống nước ép mỗi ngày và nó trở thành thói quen rồi thì việc bạn bỏ gì, rau gì, quả gì vào máy ép là quyết định rất tự nhiên. Tuy nhiên đôi lúc chúng ta cần một vài công thức bỏ túi để mỗi khi bí ý tưởng mình có cái găm trong tay.

Công thức Daily Detox được lấy từ quyển sách ” The Juice Generation: 100 Recipes for Fresh Juices and Superfood Smoothies”, và đây cũng là món juice được Juice Generation – thương hiệu juice bar có tiếng của New York thành lập từ năm 1999 – bán với giá $6 một cốc.

Chẳng khó gì để uống một cốc juice như vậy tại Việt Nam, có gì phức tạp nhỉ?

Chẳng có gì phức tạp. Nào cùng nạo, cắt, chop chop, chúng ta cùng “thải độc” như Lady Gaga, Leonardo DiCaprio, Paul McCartney hay Jennifer Lopez nhé 🙂

Daily-Detox

Công thức

4-5 củ cà rốt cỡ vừa
1 quả dưa chuột
1 quả táo
1/2 quả chanh vàng (hoặc chanh xanh không hạt)
1 mẩu gừng nhỏ bằng đốt ngón tay

Cách làm

Cà rốt và dưa chuột nạo vỏ (nếu là hữu cơ thì chỉ cần rửa sạch để cả vỏ), cà rốt bỏ phần ngọn xanh. Táo gọt vỏ bỏ hạt. Chanh vàng vắt nước bỏ hạt, hoặc dùng chanh xanh như mình dùng loại không hạt thì chỉ việc gọt vỏ chanh một chút (để lại chút vỏ cho thơm hơn). Gừng nạo vỏ.

Tất cả cho vào máy ép. Xen kẽ gừng và chanh cùng các nguyên liệu còn lại.

Chúc các bạn ngon miệng!

Daily Detox - Nước ép thải độc mỗi ngày

Print Recipe
Serves: 300-400ml Cooking Time: 10min

Ingredients (5 items)

  • 4-5 củ cà rốt cỡ vừa
  • 1 quả dưa chuột
  • 1 quả táo
  • 1/2 quả chanh vàng (hoặc chanh xanh không hạt)
  • 1 mẩu gừng nhỏ bằng đốt ngón tay

Instructions (3 Steps)

1

Cà rốt và dưa chuột nạo vỏ (nếu là hữu cơ thì chỉ cần rửa sạch để cả vỏ), cà rốt bỏ phần ngọn xanh. Táo gọt vỏ bỏ hạt. Chanh vàng vắt nước bỏ hạt, hoặc dùng chanh xanh như mình dùng loại không hạt thì chỉ việc gọt vỏ chanh một chút (để lại chút vỏ cho thơm hơn). Gừng nạo vỏ.

2

Tất cả cho vào máy ép. Xen kẽ gừng và chanh cùng các nguyên liệu còn lại.

3

Uống fresh. Cho thêm đá nếu muốn.